(ĐNĐT) - Ngày 22-1, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã ban hành một lệnh trừng phạt mới chống Triều Tiên do vụ phóng tên lửa vào tháng 12-2012 và răn đe sẽ có hình phạt thích đáng nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân mới.
Ảnh vụ phóng tên lửa Unha-3 của Triều Tiên hôm 12-12-2012. Ảnh: KCNA |
Nghị quyết mới của LHQ, do Mỹ đề xuất và được 15 nước thành viên của HĐBA thống nhất thông qua, “lên án” Triều Tiên về cái mà cơ quan này gọi là “vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo” hôm 12-12-2012.
HĐBA yêu cầu Triều Tiên phải ngừng “mọi hoạt động liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của mình” và khôi phục một lệnh dừng các vụ phóng tên lửa. Đồng thời, yêu cầu Triều Tiên “từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân hiện hữu theo một cách thức trọn vẹn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
“HĐBA cương quyết sẽ có hành động mạnh mẽ trong trường hợp Triều Tiên có vụ phóng tên lửa hoặc một vụ thử hạt nhân nào nữa”, Nghị quyết của HĐBA LHQ nêu rõ.
Ủy ban công nghệ vũ trụ Triều Tiên đứng đầu danh sách các cơ quan nằm trong lệnh trừng phạt mới. Ngân hàng “Bank of East Land”, Hãng thương mại Korea Kymryong, Tập đoàn thương mại công nghệ Tosong, Tập đoàn liên doanh máy móc Korea Ryonha và Đại diện Quốc tế (Hong Kong) cũng đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của LHQ do cáo buộc làm môi giới cho việc phát triển hạt nhân và tên lửa hoặc xuất khẩu và cung ứng vũ khí của Triều Tiên.
Ngoài ra, có 4 cá nhân gồm các quan chức về công nghệ hoặc ngân hàng của Triều Tiên cũng nằm trong danh sách trừng phạt của LHQ.
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc thương lượng cấp cao trong nhiều tuần lễ để bàn về phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi bản dự thảo nghị quyết được đệ trình lên HĐBA thông qua.
Chính phủ Mỹ đã tìm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Bình Nhưỡng, tuy nhiên Trung Quốc đã bảo vệ Triều Tiên.
Trưởng đoàn Trung Quốc tại LHQ, Li Baodong đã kêu gọi các nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí của Triều Tiên bởi đây là một nỗi quan ngại chính yếu đối với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sau khi các biện pháp trừng phạt được thông qua, đại sứ Mỹ, Susan Rice cho rằng, bản nghị quyết là một dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ “không ngừng trả giá đắt” nếu chọn cách đối đầu với cộng đồng quốc tế.
Hiện Triều Tiên đang chịu lệnh trừng phạt của LHQ vì đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân vào năm 2006 và năm 2009. Triều Tiên cho rằng, vụ phóng tên lửa là nhằm đưa một vệ tinh vào không gian.
Triều Tiên đã phản ứng với vẻ thách thức và cho biết nước này có thể thực hiện một vụ thử hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, sẽ không đối thoại nhằm giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Quang Hiển (Theo CNA, CNN)