.

Philippines vẽ lại bản đồ Biển Đông

.

Bản đồ mới của Philippines vẽ lại các đảo trên Biển Đông đang chờ được Tổng thống Benigno Aquino III thông qua. Trong khi đó, Mỹ thúc giục Trung Quốc đối mặt với Philippines tại tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp chủ quyền.

Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là tâm điểm tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc. 			         Ảnh: Google
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là tâm điểm tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc. Ảnh: Google

Báo Philippine Daily Inquirer ngày 29-1 cho biết, một bản đồ mới đã chính thức đổi tên khu vực biển phía Tây của quần đảo trên Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines) và mô tả cụ thể phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila.

Giám đốc điều hành Cục Bản đồ và thông tin tài nguyên quốc gia Paquito Ochoa Jr. cho biết, bản đồ do cơ quan này vẽ, bao gồm các đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tờ Philippine Daily Inquirer cho rằng, bản đồ phù hợp với lệnh hành chính số 29 đổi tên các khu vực biển phía Tây của quần đảo, trong đó có biển Luzon và khu vực biển xung quanh tiếp giáp nhóm đảo Kalayaan và bãi Bajo de Masinloc (còn gọi là bãi cạn Scarbourough, Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham).

Tháng 9-2012, Tổng thống Aquino III ban bố lệnh hành chính số 9 trong lúc căng thẳng leo thang giữa Philippines và Trung Quốc, nhất là việc tàu của cả hai nước đối đầu nhau vào tháng 4-2012. Theo Bộ trưởng Môi trường Ramon Paje, bản đồ đã được gửi đến Văn phòng Tổng thống vào quý 4-2012.

Theo trợ lý Ngoại trưởng Philippines Gilberto Asuque, các nhà quan sát cho rằng, việc Philippines vẽ lại bản đồ Biển Đông củng cố chủ quyền và xác định vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia Đông Nam Á này theo quy chế của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Quan chức này nhấn mạnh, việc vẽ bản đồ trong phạm vi vùng biển của Philippines là quyền chủ quyền của Manila.

Đầu tháng 1 này, Cơ quan đo đạc, bản đồ và thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) cũng cho biết, lần đầu tiên nước này đánh dấu thể hiện rõ các đảo ở Biển Đông trên bản đồ của mình. Hiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền những khu vực có trữ lượng dầu khí và khí đốt lớn nằm trên tuyến đường biển vận chuyển quan trọng đối với thương mại toàn cầu ở Biển Đông. Theo các nhà chức trách Trung Quốc, bản đồ mới - vốn bị nhiều nước trong khu vực chỉ trích - không những mô tả rõ ràng các đảo lớn trên Biển Đông, mà còn biểu thị quan hệ địa lý giữa các đảo này với các đảo, quần đảo phụ cận và những nước xung quanh. Ở hai góc dưới cùng bên phải và trái của bản đồ lần lượt in hình các quần đảo tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ hy vọng tình hình ở bãi cạn Scarbourough/ Hoàng Nham sẽ ổn định và không có thêm va chạm nào với Philippines. Ông Hồng Lỗi quy trách nhiệm của những tranh chấp phát sinh xung quanh Scarbourough/Hoàng Nham vào năm ngoái do các tàu quân sự Philippines quấy rối ngư dân và tàu cá Trung Quốc.

Cũng trong ngày 29-1, trong cuộc gặp gỡ với các quan chức Philippines tại thủ đô Manila, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce khẳng định, Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ nhưng lại ủng hộ giải pháp ngoại giao vốn được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Theo ông Royce, Trung Quốc nên đối mặt với Philippines tại tòa án LHQ để tránh khủng hoảng gia tăng. Ông Royce dẫn đầu phái đoàn gồm 6 nghị sĩ Mỹ gặp gỡ Tổng thống Aquino III và các quan chức khác của Manila trước khi đến Bắc Kinh vào hôm nay (30-1).

Trong lúc đó, đối với tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông, các học giả của hai quốc gia này kỳ vọng căng thẳng sẽ giảm. AFP cho biết, các học giả Bắc Kinh và Tokyo có quan điểm khác biệt về vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông nhưng họ đều không muốn xung đột leo thang và trở thành chiến tranh. Tuy nhiên, ông Zheng Wang, học giả về chính sách công cộng tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson cho rằng, có khoảng cách lớn về quan điểm giữa hai nước nên các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ khó tháo gỡ căng thẳng.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.