.

Quân đội Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh

.

Trung Quốc vẽ bản đồ Điếu Ngư/Senkaku

Báo chí Trung Quốc cho biết, quân đội nước này được lệnh nâng cao khả năng chiến đấu trong năm 2013 trong lúc căng thẳng giữa Bắc Kinh với Nhật Bản vẫn gia tăng liên quan đến tranh chấp chủ quyền đảo.

Tàu hải giám của Trung Quốc (trái) và tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản gần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ảnh: AP
Tàu hải giám của Trung Quốc (trái) và tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản gần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ảnh: AP

Tờ Nhân dân nhật báo ngày 15-1 dẫn chỉ thị trong tài liệu huấn luyện quân sự năm 2013 nêu rõ: “Năm 2013, quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và lực lượng cảnh sát có vũ trang nên tập trung chặt chẽ vào khả năng chiến đấu và giành chiến thắng một trận đánh”. Tài liệu này đã được Bộ Tham mưu của PLA công bố vào đầu tháng 1-2013.

Bài viết trên Nhân dân nhật báo còn nói thêm rằng, để chuẩn bị chiến đấu, quân đội cũng phải tăng cường mạnh mẽ công tác huấn luyện quân sự giống như chiến đấu thật sự, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực nhằm trau dồi cho các nhân sự quân đội cấp cao. Song, bài viết không đề cập tới cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, vốn là một trong những tâm điểm các vấn đề “nóng” ở châu Á thời gian qua. Thực tế, các vụ đụng độ giữa các tàu Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đã đẩy căng thẳng trên biển Hoa Đông lên cao. Căng thẳng càng gia tăng khi Chính phủ Tokyo quốc hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp. Tân Thủ tướng Nhật Bản cam kết giữ quan điểm cứng rắn với người láng  giềng. Ông nói rằng, vấn đề chủ quyền là không thể thương lượng nhưng kêu gọi đối thoại nhiều hơn với Bắc Kinh.

Năm 2012, một bài báo cũng viết về các mục tiêu quân sự đã không đề cập đến việc quân đội sẵn sàng chiến đấu mà chỉ tập trung vào các vấn đề như cải tiến huấn luyện và thúc đẩy công nghệ thông tin. Ông Andrei Chang, Tổng biên tập Kanwa Defence Review có trụ sở tại Canada, nhận định: “Ngoài việc chuyển mục tiêu từ Philippines sang Nhật Bản, tuyên bố của PLA năm nay mạnh mẽ hơn năm ngoái”.

Trong một diễn biến liên quan, AFP ngày 15-1 cho biết, Trung Quốc sẽ khảo sát quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong khuôn khổ chương trình nhằm vẽ bản đồ các quần đảo và các vỉa đá ngầm của nước này. Tân Hoa xã cho biết, việc khảo sát đảo là một phần trong chương trình vẽ bản đồ các đảo được khởi động vào năm 2009, kết thúc vào cuối năm 2012. Theo Cơ quan đo đạc, bản đồ và thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG), giai đoạn đầu đã hoàn thành việc giám sát các quần đảo nằm trong phạm vi 100km tính từ bờ với số lượng khoảng 6.400 đảo. Giai đoạn 2 sẽ khảo sát và đo đạc các quần đảo, trong đó có quần đảo Điếu Ngư.

Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, tính đến cuối năm 2012, Trung Quốc đã hoàn thành việc nhận dạng và xác định vị trí chính xác của khoảng 6.400 hòn đảo, cũng như hoàn thành hơn 4.900 bản đồ đảo ở 3 tỷ lệ khác nhau.

Cũng trong ngày 15-1, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến công du nước này trong 4 ngày. Mạng Asia News Network  dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, sự hiện diện của ông Hatoyama tại nền kinh tế lớn thứ hai châu Á sẽ giúp xây dựng kênh thông tin giữa 2 nước. Theo các nguồn tin, ông Hatoyama đến Bắc Kinh theo lời mời của một tổ chức phi Chính phủ ở Trung Quốc. Song, người giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản từ tháng 9-2009 đến tháng 6-2010 sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Lúc tại nhiệm, ông Hatoyama là Thủ tướng đầu tiên của Đảng Dân chủ (DPJ) thúc đẩy “Cộng đồng Đông Á”. Năm 2012, ông cũng từng là khách mời của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường. Lúc đó, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin và trao đổi giữa 2 nước.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.