.

Thế giới đón chào năm 2013

.

Nhiều hoạt động, lễ hội đã diễn ra trên khắp thế giới để chào đón năm mới 2013 với hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến sau một năm khủng hoảng kinh tế, bạo lực và thiên tai.

Những màn pháo hoa rực rỡ đã được trình diễn tại nhiều quốc gia trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, kể cả ở Myanmar hay CHDCND Triều Tiên.

Người dân Scotland đón năm mới trong niềm lạc quan. 						              Ảnh: AP
Người dân Scotland đón năm mới trong niềm lạc quan. Ảnh: AP

Người châu Á lạc quan

Ngày 1-1, bầu trời châu Á - Thái Bình Dương rực rỡ pháo hoa. Hãng AP cho biết, hơn 1,5 triệu người tập trung ở khu vực cầu cảng Harbour và Nhà hát Opera để xem pháo hoa. Thành phố nổi tiếng với những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu đã chi đến 6,5 triệu USD để trình diễn pháo hoa chào năm mới và 7 tấn pháo hoa được bắn lên. Trong khi đó, Hong Kong chi 1,6 triệu USD cho những màn pháo hoa bên cảng Victoria, thu hút hàng chục ngàn người theo dõi.

Tại thành phố Yangon lớn nhất của Myanmar, lần đầu tiên sau gần 50 năm người dân mới được thưởng thức những màn pháo hoa cũng như tự do tham gia các hoạt động trong ngày cuối cùng của năm cũ và ngày đầu tiên của năm mới. Các nhà phân tích dự đoán Myanmar sẽ có những đổi thay đáng kể trong năm 2013 sau những động thái cởi mở của Tổng thống Thein Sein trong năm qua được quốc tế đánh giá cao.

Cũng như Myanmar, nhiều người CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên tập trung trên các đường phố ở Bình Nhưỡng, bên sông Taedong để đón năm 2013 với những màn pháo hoa đa sắc màu. Người dân ở phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên cầu mong điều tốt đẹp, an lành sau một năm nhiều biến động với đất nước này.

Tại Singapore, khoảng 10.000 người đã tập trung bên bờ Vịnh Marina để xem pháo hoa. Tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, hàng ngàn quả bóng trắng mang theo những điều ước được người dân thả lên trời. Các ngôi chùa trên khắp đất nước cũng cùng ngân vang 108 tiếng chuông, gửi gắm bao ước vọng về hòa bình và thịnh vượng.

Ở phía Nam Philippines, người dân mong ước có đủ lương thực, nước uống để đối phó với những ngày tháng hậu bão Bopha - cơn bão hồi tháng 12 năm ngoái đã làm ít nhất 1.067 người chết. Philippines vẫn chưa khắc phục xong hậu quả nặng nề của bão Bopha và công tác cứu trợ đến nay vẫn tiếp tục.

Riêng thủ đô New Dehli của Ấn Độ, không phí buồn bã bao phủ khi những bất bình xung quanh vụ nữ sinh bị cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt vẫn còn đó. Nhiều khách sạn, hộp đêm... hủy bỏ các kế hoạch tiệc mừng, lễ hội và kêu gọi mọi người thắp nến để cầu nguyện cho nạn nhân.

Hơn 1,5 triệu người đến cầu cảng Harbour và Nhà hát Opera để xem pháo hoa. 						       Ảnh: Reuters
Hơn 1,5 triệu người đến cầu cảng Harbour và Nhà hát Opera để xem pháo hoa. Ảnh: Reuters

Mỹ đối phó với nợ công

Lễ hội giao thừa ở New York (Mỹ) được tổ chức với màn thả quả cầu và tung hoa giấy truyền thống tại Quảng trường Thời đại. Người dân vẫn đổ xuống đường trong niềm hân hoan chào năm mới, bỏ mặc những lo ngại về khủng hoảng tài chính và nguy cơ cường quốc hàng đầu thế giới này vỡ nợ.

Với 89 phiếu thuận, 8 phiếu chống, Nhà Trắng và các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện ngày 1-1 đã đạt được thỏa thuận trì hoãn nguy cơ xảy ra cùng lúc việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế (được gọi là “vách đá tài chính”) dự kiến bắt đầu từ ngày 1-1-2013. Theo đó, thỏa thuận sẽ giúp hoãn nguy cơ “vách đá tài chính” trong 2 tháng, để Nhà Trắng và Quốc hội có thêm thời gian bàn bạc về một thỏa thuận sâu rộng hơn. Với sự đồng thuận này, Mỹ sẽ duy trì việc cắt giảm thuế áp dụng dưới thời Tổng thống G.W.Bush cho cá nhân có thu nhập dưới 400.000 USD/năm và những hộ có thu nhập dưới 450.000 USD/năm. Tuy nhiên, mức thuế đánh vào những tài sản được thừa kế có giá trị hơn 5 triệu USD sẽ gia tăng.

Hãng AP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, nếu “vách đá tài chính” xảy ra thì không những Mỹ mà cả thế giới sẽ bước vào cuộc suy thoái mới, bởi mức nợ công của nền kinh tế số 1 thế giới chính thức đạt mức trần 16.394 tỷ USD. Quốc hội Mỹ sẽ có 2 tháng để bàn về việc tăng mức trần nợ công, nếu không thì Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đối diện nguy cơ vỡ nợ.

Ông Obama hoan nghênh quyết định của Thượng viện, đồng thời nói rằng, các nhà lãnh đạo 2 đảng ở cơ quan lập pháp này đã đạt được thỏa thuận bảo vệ cho 98% người Mỹ và 97% chủ doanh nghiệp nhỏ.

Trong bài phát biểu mừng năm mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel - nhà lãnh đạo đi đầu trong việc tháo gỡ khủng hoảng nợ công ở châu Âu - cảnh báo người dân nước này sẵn sàng đối mặt với thời kỳ kinh tế khó khăn. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi sự thống nhất sau một năm đầy biến động.

Hy Lạp - quốc gia châu Âu bị tác động nặng nề nhất của chính sách “thắt lưng buộc bụng” - chào năm mới bằng cuộc đình công trong 24 tiếng đồng hồ của nhân viên tàu điện ngầm và tàu hỏa nhằm phản đối việc cắt giảm lương. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras tuyên bố năm 2013 là “năm của hy vọng”, khởi đầu cho việc “tái sinh” đất nước này.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.