Ít nhất 32 người thiệt mạng trong ngày 26-1 khi người dân Ai Cập đổ xuống đường phố Cairo biểu tình phản đối phán quyết tử hình 21 người (trong số 73 bị cáo) liên quan một thảm họa ở sân vận động Port Said hồi năm ngoái. Đây là thách thức rõ ràng nhất đối với những nỗ lực của Chính phủ Ai Cập nhằm tái thiết trật tự ở quốc gia Trung Đông này sau hai năm chìm trong khủng hoảng kể từ khi ông Hosni Mubarak bị lật đổ.
Cairo tràn ngập người biểu tình chống Chính phủ. Ảnh: Reuters |
Bạo lực ở Port Said diễn ra chỉ sau một ngày bùng nổ biểu tình chống Tổng thống Mohamed Mursi nhân kỷ niệm hai năm cuộc cách mạng lật đổ ông Mubarak. Biểu tình cũng lan đến thành phố cảng Suez và Alexandria. Tổng cộng trong ngày 25 và 26-1 có 42 người thiệt mạng, 500 người khác bị thương. Các binh sĩ đã giành lại quyền kiểm soát khu vực xung quanh nhà tù Port Said - nơi đang giam giữ các bị cáo vừa bị kết án tử hình; trụ sở cơ quan quản lý kênh đào Suez; các cơ quan hành chính, ngân hàng, tòa án; các nhà máy điện, nhà máy nước tại Port Said. Tuy nhiên, những người hâm mộ Al Ahly - đội bóng đá số 1 của Ai Cập - đe dọa gây ra bạo lực nếu tòa án không bác bỏ phán quyết tử hình. Ngày 1-2-2012, trong trận đấu giữa Al Ahly và Al Marsy - đội bóng thuộc thành phố Port Said, các cổ động viên đội chủ nhà Al Marsy đã tràn xuống sân, làm 74 người chết và khoảng 1.000 người khác bị thương. Trận đấu lúc đó trở thành câu chuyện buồn trong lịch sử bóng đá Ai Cập.
Lần này, Tổng thống Mursi hoãn chuyến công cán Ethiopia để giải quyết khủng hoảng trong nước. Ông gặp gỡ Hội đồng Quốc phòng quốc gia, bao gồm các lãnh đạo quân sự hàng đầu. Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, lực lượng an ninh không thể kiểm soát được bạo lực và thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị cần kiềm chế những người biểu tình.
Thông điệp mà những người biểu tình đưa ra là “bánh mì, tự do và công bằng”. Cũng vì thông điệp này, cuộc cách mạng ngày 25-1-2011 đã phế truất ông Mubarak, mở đường cho ông Mursi lên nắm quyền. Và khi chính phủ mới cũng không đáp ứng được thông điệp thiết yếu đó thì Cairo sẽ không thể yên tĩnh, dù ông Mursi nỗ lực để bảo đảm cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới diễn ra thông suốt. Ông Mursi bị đổ lỗi là nguyên nhân của các vụ biểu tình, đụng độ trên đường phố trong lúc kinh tế của đất nước bên bờ sông Nile khủng hoảng sâu sắc. “Chúng tôi muốn thay đổi Tổng thống và Chính phủ. Chúng tôi mệt mỏi vì chế độ này”, Mahmoud Suleiman (22 tuổi), tham gia biểu tình tại Quảng trường Tahrir ở Cairo, cho biết. Một người biểu tình khác, Momen Asour, nói rằng anh muốn chấm dứt thời đại Mursi. “Chúng tôi không thấy gì cả, không tự do, không công bằng xã hội, cũng không có giải pháp cho tình trạng thất nghiệp hay bất kỳ sự đầu tư nào”, Asour nói.
Hội đồng Quốc phòng quốc gia do ông Mursi lãnh đạo kêu gọi đối thoại rộng khắp cả nước để bàn thảo về những dị biệt chính trị và bảo đảm cuộc bầu cử Quốc hội sẽ công bằng, minh bạch. Hội đồng này đang cân nhắc việc áp đặt lệnh giới nghiêm hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại những địa phương có bạo loạn.
Những người chỉ trích cho rằng, Tổng thống Mursi thất bại trong những cam kết vực dậy nền kinh tế của đất nước. Trong khi đó, những người ủng hộ ông quy trách nhiệm cho phe đối lập không tôn trọng nền dân chủ.
Theo giới quan sát, khi chưa giải quyết được các bất ổn giữa các đảng phái, sắc tộc, đồng thời không có giải pháp toàn diện và đáng tin cậy thì cuộc bầu cử sẽ khó thành công, nhất là khi Mặt trận Cứu quốc (NSF) - phe đối lập chính tại Ai Cập - dọa “tẩy chay” bỏ phiếu. Và như thế, chính trị tại Ai Cập sẽ không thể lấy lại được sự cân bằng.
VĨNH AN