.
Thế giới tuần qua

Dấu hỏi về cuộc chiến ở Mali

.

Vụ các con tin bị lực lượng Hồi giáo bắt cóc ở cơ sở khí đốt tại thành phố Amenas của Algeria khiến dư luận đặt dấu hỏi về cuộc chiến ở Mali mà Pháp đang can dự.
 

Một con tin người Na Uy được giải cứu.                                       Ảnh: Reuters
Một con tin người Na Uy được giải cứu.                                                                                            Ảnh: Reuters

Cuộc giải cứu con tin trong 4 ngày tại cơ sở do Công ty năng lượng quốc gia Sonatrach của Algeria cùng Hãng BP (Anh) và Statoil (Na Uy) vận hành đã kết thúc với 55 người chết (bao gồm 23 con tin và 32 tay súng Hồi giáo). Số người chết vẫn có thể gia tăng. Khoảng 685 con tin người Algeria và 107 công nhân nước ngoài được giải thoát.

Điều kiện của những kẻ bắt cóc là Chính phủ Pháp phải ngừng chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali nếu muốn chúng trả tự do cho các con tin. Mặc dù trước đó Pháp một mực phủ nhận sự liên quan giữa khủng hoảng con tin với chiến dịch theo sự cầu cứu của Tổng thống Mali Dioncounda Traore, nhưng đây là thực tế mà Điện Elysée phải đối diện. Giới quan sát cũng không ngần ngại cho rằng, điều này là đòn giáng mạnh vào uy tín của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Một thủ lĩnh thánh chiến ở Mali nói rằng, ông Hollande đã mở “cánh cửa xuống địa ngục cho tất cả người Pháp”. Và thực tế, việc Chính phủ Paris cảnh báo nguy cơ khủng bố ở trong nước cùng nhiều cơ sở nước ngoài của Pháp xuất phát từ quan ngại sợ bị trả thù. Hành động chống quân Hồi giáo của Pháp ở Mali đã khiến các nhóm thánh chiến hành động…

Chưa rõ thời gian tới Pháp có thay thế Mỹ trở thành mục tiêu trả thù của các chiến binh Hồi giáo hay không. Nếu điều đó xảy ra thì sẽ là thảm họa đối với ông Hollande. Bài học nhãn tiền là người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy phải kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5-2012 do uy tín bị sụt giảm nghiêm trọng sau khi can dự vào cuộc chiến ở Libya. Theo các nhà quan sát, ông Hollande có thể sẽ theo “vết xe đổ” này, hoặc sẽ rút quân khỏi Mali, nhưng cũng có thể sa lầy ở đất nước Tây Phi có dân số 14 triệu người.

Hơn nữa, từ vụ bắt cóc con tin ở Algeria, cuộc chiến ở Mali nhiều khả năng sẽ trở thành cuộc xung đột quốc tế. Các nước giáp biên giới Mali như Algeria, Niger không thể không bị kéo vào cuộc và người dân cũng như những người nước ngoài tại những quốc gia này sẽ trở thành nạn nhân của hành động trả thù từ các chiến binh Hồi giáo. Dư luận Pháp đang ủng hộ Tổng thống Hollande nhưng nếu quân đội của ông bị sa lầy thì chắc chắn nhà lãnh đạo này sẽ không còn nhận được những cái gật đầu nữa.
Trong lúc đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích vụ khủng hoảng con tin và những kẻ khủng bố đứng sau vụ tấn công. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác để đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cam kết Washington sẽ truy lùng Al-Qaeda cho dù lực lượng này ẩn náu ở bất kỳ nơi đâu.

Một điều đặt ra trong vụ khủng hoảng con tin là quân đội Algeria đã bất ngờ tiến hành chiến dịch giải cứu mà không thông báo với một số Chính phủ phương Tây. Con số 23 người thiệt mạng (chủ yếu là người nước ngoài) khiến nhiều nước tức giận. Một người Mỹ và một người Anh được xác định có trong số những người thiệt mạng. 5 công nhân Na Uy vẫn mất tích. Các công nhân Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa biết số phận ra sao. Song, Tổng thống Hollande bảo vệ cho hành động của Algeria và nói rằng phản ứng của Chính phủ Bắc Phi này đối với khủng hoảng con tin là “phù hợp nhất”.

Các nhà lãnh đạo Pháp và Tây Phi đang kêu gọi các cường quốc khác hỗ trợ tiền và hậu cần để quân đội châu Phi cùng binh sĩ Pháp chống lại các chiến binh liên quan đến Al-Qaeda ở Mali. Nigeria, Togo và Chad đã bắt đầu triển khai quân. Trong một tuyên bố, Benin, Ghana, Senegal, Liberia, Sierra Leone và Bờ Biển Ngà cũng cam kết góp quân. Pháp hiện có khoảng 2.000 binh sĩ ở Mali và sẽ tăng thêm 500 binh sĩ trong một vài tuần đến. Tổng cộng 5.000 binh sĩ châu Phi sẽ hiện diện cùng Pháp ở Mali.

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.