.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

“Điều kiện tiên quyết” với Syria

.

Các cuộc đàm phán để tìm giải pháp cho Syria cứ kéo dài và kết thúc là... sự bế tắc.

Mỹ, các cường quốc châu Âu và các nước Arab khẳng định việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức là điều kiện tiên quyết để kết thúc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Nhưng khó xảy ra việc Tổng thống Assad từ chức khi ông khẳng định sẽ “sống và chết ở Syria”.

Ông Lakhdar Brahimi (giữa) gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tại Geneva, Thụy Sĩ.                                                            Ảnh: Reuters
Ông Lakhdar Brahimi (giữa) gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Cuối tuần qua, một lần nữa Nga bác bỏ việc thúc giục Tổng thống Assad từ chức, cho rằng sự ra đi của nhà lãnh đạo này không thể là điều kiện tiên quyết cho các cuộc thương thảo, mà chỉ kêu gọi một tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria. Lý do mà Nga đưa ra cũng chính là quan điểm bất di bất dịch của Mátxcơva: chỉ có người Syria mới có thể quyết định tương lai của mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Vì vậy, cuộc đối thoại trong 5 tiếng đồng hồ của đặc sứ LHQ và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 11-1 đã kết thúc “trắng tay”.

Ông Brahimi đang xây dựng một thỏa thuận hòa bình theo kế hoạch đạt được giữa các cường quốc vào tháng 6-2012 tại Geneva. Kể từ đầu tháng 12-2012 đến nay, ông Brahimi đã 3 lần gặp gỡ các quan chức ngoại giao cấp cao của Nga và Mỹ, một lần gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Assad tại Damascus. Song, nỗ lực của người gánh trên vai sứ mệnh của LHQ và Liên đoàn Arab trong cuộc nội chiến tại Syria vẫn chưa mang lại kết quả khả quan nào. Nga và Mỹ đang bất đồng xung quanh thỏa thuận về tương lai của Tổng thống Assad. Washington cho rằng, cường quốc hàng đầu thế giới đang phát đi tín hiệu rõ ràng: ông Assad phải ra đi. Nhưng Nga phản đối điều này.

Mặc dù Nga bán vũ khí cho Syria và thuê một căn cứ hải quân tại đây, nhưng lợi ích kinh tế mà Mátxcơva có được trong việc ủng hộ ông Assad không nhiều. Các nhà phân tích cho rằng, thực chất, Tổng thống Vladimir Putin muốn ngăn cản Mỹ dùng lực lượng quân đội hoặc nhận được sự ủng hộ từ Hội đồng Bảo an LHQ truất phế chính phủ nào mà Washington không ưa thích.

Ông Brahimi bảo vệ vai trò của Nga trong việc tìm kiếm giải pháp kết thúc khủng hoảng ở Syria. Ông không bình luận gì về phản ứng của Trung Quốc đối với nội chiến tại Syria mà chỉ nói rằng, một giải pháp chính trị phải được tiếp tục, trong đó có việc tạo ra một cơ quan điều hành mới ở Syria. Nga và Trung Quốc từng 3 lần phủ quyết dự thảo trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ chống Syria.

Các nhà quan sát cũng nhìn nhận, tuy lên tiếng như vậy nhưng Nga đang tỏ ra kém “mặn nồng” trong quan hệ Mátxcơva - Damascus. Bằng chứng là Mátxcơva một mặt khẳng định đang chuẩn bị vấn đề lưu vong của Tổng thống Assad, một mặt cho rằng nhà lãnh đạo Syria không thể bị các cường quốc nước ngoài lật đổ.

Một Chính phủ Syria tương lai có sự tham gia của Tổng thống Assad thì Mỹ không chịu. Còn nếu loại bỏ vai trò của ông thì bản thân nhà lãnh đạo này và Nga, Trung Quốc không chịu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng, thật khó hình dung bạn có một chính phủ chuyển tiếp với sự tham gia của ông Assad thì sẽ như thế nào. Đặc sứ Brahimi sẽ đến New York (Mỹ) vào cuối tháng 1 này để thương thảo với các quan chức LHQ và Hội đồng Bảo an.

Bất chấp sự đi đi về về của ông Brahimi ở Syria, Thụy Sĩ, Mỹ, cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” đang là tâm điểm của tình hình chính trị Trung Đông vẫn chưa kết thúc. Lực lượng nổi dậy đã kiểm soát được sân bay quân sự Taftanaz ở tỉnh Idlib của không quân Syria, đánh dấu khả năng chiến sự sẽ tiếp tục ác liệt. Trong khi đó, giữa thời tiết mùa đông lạnh giá, 612.000 người tị nạn Syria đang ở Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Ai Cập sẽ phải vất vả chống chọi.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.