.
Thế giới tuần qua

Khủng hoảng dai dẳng ở Syria

.

Trong kế hoạch hòa bình mới nhằm kết thúc khủng hoảng ở Syria, tạo ra một chính phủ chuyển tiếp, do đặc sứ LHQ và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi đề xuất vẫn chưa rõ vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad. Với kế hoạch này, ông Assad có buộc phải từ chức không, hay phải sống lưu vong (đề xuất lưu vong vốn bị ông Assad bác bỏ)? Hiện chỉ biết rằng, chiến sự vẫn diễn ra dai dẳng và ngày càng ác liệt tại quốc gia Trung Đông này. Số người thiệt mạng đã lên đến 60.000 người tính từ lúc cuộc nổi dậy bùng nổ vào tháng 3-2011, theo thống kê của LHQ vào tuần qua.

Aleppo, thành phố lớn thứ hai ở Syria, ngổn ngang rác vì những cuộc giao tranh kéo dài.                                                                                                    Ảnh: AP
Aleppo, thành phố lớn thứ hai ở Syria, ngổn ngang rác vì những cuộc giao tranh kéo dài. Ảnh: AP

Ngày 6-1, Tổng thống Assad có bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng, kêu gọi “hiện đại hóa toàn bộ đất nước”, trong lúc NATO triển khai tên lửa gần biên giới Syria và lực lượng nổi dậy tiến sát thủ đô Damascus, đe dọa làm lung lay quyền lực của ông. Đây là lần phát biểu đầu tiên của ông Assad trong nhiều tháng qua.

“Không có chỗ cho niềm vui khi an ninh và sự ổn định thiếu vắng trên đường phố ở đất nước của chúng ta”, Tổng thống Assad nói. Ông cũng kêu gọi tất cả người dân Syria tham gia một sáng kiến nhằm kết thúc xung đột 22 tháng, nhưng lại không đưa ra chi tiết về kế hoạch này.

Tháng 11-2012, ông Assad khẳng định sẽ “sống và chết” ở Syria mặc cho những đồn đoán về số phận mong manh của ông nếu lực lượng nổi dậy đánh vào trung tâm Damascus. Phe đối lập Syria luôn khẳng định ông Assad phải từ chức để kết thúc xung đột. Ngoại trưởng Saudi Arabia, Saud al-Faisal, cũng nói rằng cần ngay lập tức chấm dứt khủng hoảng và kêu gọi chuyển giao chính trị trong hòa bình. Saudi Arabia và Ai Cập đều muốn ông Assad từ chức. Trong khi đó, ông Brahimi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, đàm phán là giải pháp duy nhất.

Lực lượng nổi dậy vốn bị Tổng thống Assad gọi là những kẻ khủng bố Al-Qaeda nhưng lại giành được sự công nhận của quốc tế. Song, Tổng thống Assad tiếp tục dựa vào sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc - hai thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ, và cả đồng minh thân thiết Iran để thực hiện cam kết “sống và chết” ở Syria. Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Makdad cuối tuần qua đã đến Tehran để gặp gỡ Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cùng các quan chức khác. Cả Nga lẫn Iran đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch triển khai tên lửa Patriot của NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới Syria. Mátxcơva và Tehran cho rằng, triển khai tên lửa chỉ là cái cớ, không “bảo vệ các nước trong khu vực” mà thực chất NATO đang dọn đường cho cuộc tấn công nhằm lật đổ Chính phủ Tổng thống Assad. Đặc biệt, Iran phản đối bất kỳ hành động can thiệp nào từ bên ngoài đối với Syria và mọi sự thay đổi ở đất nước này phải đặt dưới sự lãnh đạo của ông Assad.

Trong tất cả các cuộc nổi dậy bắt đầu từ Tunisia lan đến Ai Cập, Libya, Yemen rồi Syria, cuộc chiến ở Syria kéo dài nhất và có số người chết cao nhất. Hơn 500.000 người Syria đã rời bỏ nhà cửa để tránh bạo lực. Họ chạy sang các nước láng giềng, trong đó khoảng 130.000 người chạy đến Lebanon. Lực lượng nổi dậy và quân đội Chính phủ đã giao tranh ở các vùng ngoại ô phía Nam Damascus, bao gồm Harasta và Daraya. Khả năng giao tranh ở trung tâm thủ đô là chuyện một sớm một chiều.

Sau 22 tháng, khủng hoảng ở Syria vẫn bế tắc. Không bên nào có những tiến triển và đưa ra giải pháp hữu hiệu để tháo “ngòi nổ”. Yêu cầu duy nhất, điều kiện tiên quyết nhất là Tổng thống Assad phải từ chức không được nhà lãnh đạo này chấp nhận nên sẽ khó có chuyện đàm phán. Phe nổi dậy muốn phương Tây hỗ trợ vũ khí để chống lại quân đội Chính phủ. Phương Tây cũng muốn hậu thuẫn nhưng lại sợ số vũ khí sẽ lọt vào tay khủng bố. Thế nên mới có chuyện dùng dằng trong vấn đề Syria. Và như thế, đặc sứ Brahimi sẽ khó hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc kêu gọi các bên cùng ngồi vào bàn thương lượng.  

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.