.

Thủ tướng Nhật hướng đến Đông Nam Á

.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kỳ vọng Đông Nam Á sẽ giúp ông kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế lẫn quân sự trong lúc Tokyo và Bắc Kinh đang căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông.

Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân Akie đến sân bay Nội Bài, Hà Nội ngày 16-1.                       Ảnh: Reuters
Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân Akie đến sân bay Nội Bài, Hà Nội ngày 16-1. Ảnh: Reuters

Ngày 16-1, Thủ tướng Abe bắt đầu chuyến công du 4 ngày với các chặng dừng chân ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Khi nhậm chức Thủ tướng 7 năm trước, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe là Trung Quốc nhằm hàn gắn quan hệ rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Junichiro Koizumi. Nhưng lúc này đây, sự lựa chọn của ông là các “ngôi sao kinh tế” đang lên: Đông Nam Á. Các nhà phân tích khuyến cáo rằng, Thủ tướng Abe muốn kết nối với Đông Nam Á để bổ sung nguồn lực tăng trưởng mới nhưng ông cũng sẽ thận trọng để không kích động Trung Quốc, tránh để Bắc Kinh cho rằng đang bị Tokyo “bao vây”.

Hãng Kyodo dẫn lời Thủ tướng Abe phát biểu trước khi rời Tokyo rằng, ông muốn chuyến công du này khởi đầu cho ngoại giao chiến lược của nội các mới và ông cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng của Nhật Bản thông qua quan hệ mạnh mẽ hơn với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ông Abe còn nói rằng, môi trường chiến lược hiện tại ở châu Á - Thái Bình Dương đang có sự thay đổi năng động. “Trong suốt sự thay đổi này, việc tạo dựng quan hệ thân thiết hơn với các nước ASEAN sẽ góp phần vào hòa bình, ổn định của khu vực và đó cũng là mối quan tâm của Nhật Bản”, ông Abe nói.

Để minh chứng cho cái nhìn của Chính phủ Tokyo đối với Đông Nam Á, trong tháng 1 này, các quan chức cấp cao trong nội các Nhật đã hiện diện ở một số nước Đông Nam Á. Cụ thể, từ ngày 9-1 đến 14-1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến Philippines, Singapore, Brunei và Áo. Ngày 4-1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso đến thăm Myanmar.

Theo ông Abe, xứ sở hoa anh đào trở nên quá phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Và ông muốn những công ty lớn của Nhật xem các nước Đông Nam Á là nơi thay thế các đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực kinh doanh. Thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang để mắt đến Đông Nam Á sau những thiệt hại do làn sóng chống đối Nhật Bản tại Trung Quốc vì căng thẳng giữa hai nước liên quan đến tranh chấp chủ quyền.

Dự kiến người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản sẽ có bài phát biểu về chính sách ngoại giao của nước này ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Giáo sư Narushige Michishita của Viện Đại học quốc gia Nhật Bản cho rằng, Tokyo đang tìm cách củng cố quan hệ với các nước trong khu vực và tăng cường sức mạnh thương lượng trước khi đàm phán với Trung Quốc. Trước đó, Thủ tướng Abe tuyên bố rằng, kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 - với tổng giá trị của các nền kinh tế trong khối đạt 2.000 tỷ USD, dân số 600 triệu người - sẽ góp phần tạo ra sức bật đáng kể cho nền kinh tế Nhật Bản đang trì trệ và dân số đang già hóa nhanh chóng. Song, ông muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế và mở rộng quan hệ an ninh. Cũng theo Reuters, Nhật Bản vẫn có sức ảnh hưởng lớn về kinh tế ở ASEAN với nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Chẳng hạn như, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan với 320 tỷ baht (10,6 tỷ USD) cho các dự án đầu tư vào năm ngoái.

Lẽ ra, điểm đến đầu tiên của nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) khi trở lại nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái là Mỹ nhưng kế hoạch này đã bị hoãn do Tổng thống Barack Obama đang bận rộn chuẩn bị cho lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 21-1 tới.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.