.

Triều Tiên thề tăng cường hạt nhân

.

CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ củng cố sức mạnh quân sự và có thể tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba.

Anh và Mỹ bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên.  Ảnh: AP
Anh và Mỹ bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AP

Ngày 23-1, CHDCND Triều Tiên phản ứng tức giận đối với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về việc mở rộng lệnh trừng phạt nước này do vụ thử tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng sẽ có những hành động cụ thể nhằm mở rộng và tăng cường lực lượng phòng vệ, bao gồm khả năng răn đe hạt nhân. Đây là phản ứng đầu tiên của CHDCND Triều Tiên chỉ một ngày sau khi HĐBA LHQ ra Nghị quyết trừng phạt quốc gia này.

Hãng AP cho biết, trong phản ứng ngay lập tức của CHDCND Triều Tiên, nước này còn nhấn mạnh sẽ không tổ chức thêm bất kỳ cuộc đàm phán nào về giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.  

Nghị quyết của HĐBA LHQ được sự nhất trí của cả 15 thành viên, trong đó có Trung Quốc - đồng minh lớn nhất và thân thiết nhất của CHDCND Triều Tiên, mặc dù trước đó Bắc Kinh vẫn kiên trì phản đối việc cấm vận người láng giềng. Dự thảo Nghị quyết do Mỹ đệ trình bao gồm các hình thức phong tỏa tài sản và cấm đi lại, được áp dụng với Cơ quan Vũ trụ Triều Tiên, 1 ngân hàng, 4 công ty thương mại và 4 cá nhân. Đây là những tổ chức và cá nhân liên quan đến vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng vào tháng 12 năm ngoái.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice nói rằng, quyết định mới của cơ quan quốc tế này cho thấy, Triều Tiên sẽ ngày càng trả giá đắt nếu tiếp tục chọn cách đối đầu như thế. Trong khi đó, phát biểu sau khi bỏ phiếu ủng hộ dự thảo Nghị quyết, đại sứ Trung Quốc Lý Bảo Đông bày tỏ tin tưởng hành động của HĐBA LHQ thận trọng, cân nhắc và có lợi cho sự ổn định. Cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản tất nhiên hoan nghênh Nghị quyết mới. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi quyết định của LHQ là “hành động kiên quyết”.

Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên vẫn khẳng định việc phóng tên lửa ngày 12-12-2012 mang mục đích hòa bình, đưa vệ tinh vào vũ trụ chứ không thử công nghệ tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, theo Bộ này, hiện nay CHDCND Triều Tiên sẽ “đối đầu với chính sách thù địch của Mỹ với sức mạnh, chứ không bằng lời nói”.

Nhà phân tích Hong Hyun-ik tại Viện Nghiên cứu Sejong ở gần thủ đô Seoul của Hàn Quốc cho rằng, tuyên bố của CHDCND Triều Tiên hàm ý khả năng sẽ có vụ thử hạt nhân. Trong ngày 23-1 vẫn chưa có khẳng định nào từ phía Bình Nhưỡng về vụ thử hạt nhân trong tương lai như những đồn đoán. Tuy nhiên, những hình ảnh qua vệ tinh được công bố trong tháng 12-2012 cho thấy, hoạt động hạt nhân tiếp tục diễn ra tại cơ sở hạt nhân trong lòng đất của CHDCND Triều Tiên ở Punggye-ri, qua đó dự báo nước này sẽ thử hạt nhân vào mùa đông.   

Cũng trong ngày 23-1, đặc sứ Mỹ về vấn đề CHDCND Triều Tiên, ông Glyn Davies, đã đến thủ đô Seoul để gặp gỡ những người đồng cấp Hàn Quốc. Ông Davies thúc giục Bình Nhưỡng ngừng các hành động khiêu khích, nhưng vị quan chức ngoại giao này để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên có sự tham dự của 2 miền Triều Tiên cùng Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. Các cuộc đàm phán được tổ chức liên tục kể từ năm 2003 nhưng bế tắc từ năm 2008 đến nay.

THIÊN BÌNH
 

;
.
.
.
.
.