Trung Quốc muốn xoa dịu căng thẳng trên biển Hoa Đông, trong lúc Nhật Bản tuyên bố sẽ nổ súng cảnh cáo bất cứ máy bay Trung Quốc nào phớt lờ tín hiệu cảnh báo yêu cầu rời khỏi khu vực tranh chấp.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là tâm điểm căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Tờ Nhật báo Trung Quốc ngày 17-1 dẫn lời ông Jia Qinglin, người đứng đầu cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc, trong cuộc gặp gỡ cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama tại Bắc Kinh rằng, Trung Quốc muốn đàm phán với Tokyo về vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ông Jia Qinglin là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc công khai kêu gọi đàm phán với Nhật Bản. Theo ông, cả hai phía nên nêu vấn đề phù hợp xung quanh chuyện chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư và các vấn đề khác có quan điểm khác biệt.
Hãng AP cho biết, Nhật Bản trước đó từ chối những lời kêu gọi đối thoại của Trung Quốc. Chính Thủ tướng Shinzo Abe cam kết giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc và khẳng định vấn đề chủ quyền là không thể thương lượng được. Phản hồi về các nguồn tin rằng cựu Thủ tướng Hatoyama đã thống nhất với ông Jia Qinglin về việc cần thiết phải đàm phán, người phát ngôn của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ sự không đồng ý của Chính phủ Abe. Còn Feng Wei, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho rằng việc ông Hatoyama đến nước này mang tính biểu tượng cao và phát biểu của ông đại diện cho “quan điểm chính thức là xoa dịu căng thẳng”.
Cũng trong ngày 17-1, ông Kurt Campbell - nhà ngoại giao Mỹ hàng đầu về Đông Á - kêu gọi chính sách “ngoại giao yên tĩnh” giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc xung quanh tranh chấp lãnh thổ ở Đông Bắc Á. Song, ông Campbell nói rằng, Washington sẽ không tham gia vai trò trung gian.
Trong lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, quân đội nước này sẽ nổ súng cảnh cáo bất cứ máy bay Trung Quốc nào phớt lờ tín hiệu cảnh báo yêu cầu rời khỏi không phận Senkaku/Điếu Ngư. Báo Asahi Shimbun dẫn lời ông Onodera phát biểu tại cuộc họp báo ở Hong Kong rằng, Nhật Bản có “những biện pháp đối phó sẵn sàng tương thích với các tiêu chuẩn toàn cầu”.
Thực tế, thời gian gần đây, các tàu và máy bay của Trung Quốc liên tục đi vào vùng biển và vùng trời gần quần đảo tranh chấp, nhất là khi Chính phủ Tokyo quốc hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo này. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, Bắc Kinh “cảnh giác cao độ trước những leo thang của Nhật Bản ở đảo Điếu Ngư”. Thiếu tướng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Bành Quang Khiêm tuyên bố: “Chỉ cần Nhật Bản bắn một phát đạn thì điều này có nghĩa là Tokyo đã khai chiến. Trung Quốc không thể chờ đến phát đạn thứ hai mà sẽ lập tức phản công”.
Năm 1987, lực lượng phòng vệ Nhật Bản từng nổ súng cảnh cáo máy bay viễn thám Tu-16 của Liên Xô bay vào vùng trời nước này trên đảo Okinawa. Hiện Nhật Bản xem xét đồn trú cố định các máy bay phản lực chiến đấu F-15 ở đảo Shimoji - một đảo nhỏ ở biển Hoa Đông gần quần đảo tranh chấp.
PHÚC NGUYÊN