.

Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương

.

Các cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc diễn ra trong lúc căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông chưa được tháo gỡ.

Tàu tuần duyên Nhật Bản (phải) phun nước vào một tàu Đài Loan khi tàu này đến gần Senkaku/Điếu Ngư ngày 24-1.                                    Ảnh: AFP
Tàu tuần duyên Nhật Bản (phải) phun nước vào một tàu Đài Loan khi tàu này đến gần Senkaku/Điếu Ngư ngày 24-1. Ảnh: AFP

Ngày 30-1, tổng cộng 3 tàu chiến của Trung Quốc đã rời cảng để tham gia tập trận hải quân và diễn tập chiến tranh trên biển Tây Thái Bình Dương. Những tàu này sẽ đi qua khu vực tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức khẳng định: “Diễn tập ở Thái Bình Dương là cách tập trận bình thường nhằm gia tăng khả năng chiến đấu của hải quân”. Song, Reuters cho rằng, trong lúc Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á thì các cuộc tập trận sẽ tạo ra những quan ngại.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, hạm đội sẽ tiến hành hơn 20 loại tập trận bao gồm cuộc đối đầu hải quân, diễn tập ở ngoài khơi, bảo vệ quyền hàng hải... Theo đó, hàng loạt cuộc diễn tập được tổ chức trên Hoàng Hải, Biển Đông và biển Hoa Đông, eo biển Miyako, kênh Bashi và các vùng biển ở phía Đông Đài Loan.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào xem việc thúc đẩy sức mạnh của lực lượng hải quân là một trong những ưu tiên của Chính phủ. Việc Bắc Kinh gia tăng ngân sách quốc phòng, nâng cấp quân đội bị cho là thiếu tính minh bạch, gây quan ngại cho các nước láng giềng và cả Mỹ. Trung Quốc đang phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình. Năm ngoái, nước này cũng đã ra mắt tàu sân bay đầu tiên của mình.

Về phía Nhật Bản, quốc gia đang tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Thủ tướng Shinzo Abe đã đề nghị hội đàm thượng đỉnh với Bắc Kinh để cải thiện quan hệ song phương vốn trở nên xấu đi trong những tháng qua. AFP cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy khả năng “tan băng” với Trung Quốc sau khi nội các Nhật Bản lần đầu tiên trong 10 năm qua phê chuẩn gia tăng chi phí cho quốc phòng. Đồng thời, trong lúc này, lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản cũng được chuẩn bị tốt. Một đơn vị đặc biệt được thành lập gồm 10 tàu tuần tra lớn và lực lượng 600 binh sĩ tham gia giám sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Nippon, Thủ tướng Abe nói rằng, nếu cần thiết thì có thể xây dựng quan hệ trở lại với Trung Quốc, bắt đầu từ hội nghị thượng đỉnh lần này. Quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á càng xấu đi kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp vào tháng 9 năm ngoái.

Liên quan đến việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, tờ Philippine Daily Inquirer ngày 30-1 cho biết, các nghị sĩ Mỹ đang ở thăm Manila bày tỏ “sự ủng hộ rất tích cực” đối với “hành động hợp pháp” của quốc gia Đông Nam Á này trong việc làm mất hiệu lực tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Philippines), đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập của Bắc Kinh vào khu vực mà đất nước của Tổng thống Benigno Aquino III tuyên bố kiểm soát. Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Carlos Sorreta nói với giới báo chí rằng, nhóm nghị sĩ Mỹ ủng hộ những nỗ lực của Manila nhằm giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.