(ĐNĐT) - Từ lâu, người ta đã tranh cãi về việc lòng tin hay sự ngờ vực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng gia tăng. Những người tin rằng Mỹ không muốn chấp nhận sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, và do đó đã gây khó khăn trong việc duy trì môi trường lành mạnh cho quan hệ thương mại Trung - Mỹ, có những bằng chứng thực tế để bảo vệ quan điểm của mình.
Tuy nhiên, vòng đàm phán mới đây của Ủy ban hỗn hợp thương mại và mậu dịch Trung - Mỹ diễn ra tại Washington ngày 19-12-2012 đã phản bác quan điểm nói trên, sau khi đưa ra một danh sách khoảng 50 lĩnh vực hợp tác. Trong đó, có việc Mỹ sẽ nới lỏng kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ kép (sản phẩm và công nghệ dùng cho mục đích dân sự nhưng có thể ứng dụng vào lĩnh vực quân sự) để đáp ứng nhu cầu thương mại song phương. Đây là một bước tiến trong quan hệ Trung - Mỹ, đặc biệt là khi cả hai nước sẽ sớm có chính phủ mới.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương năm 1979, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã xây dựng quan hệ đối tác kinh tế phát triển nhanh chóng và hiệu quả, cải thiện nền kinh tế của hai nước và thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc đã hưởng được giá trị thặng dư xuất khẩu với Hoa Kỳ, nhưng đó là kết quả của toàn cầu hóa, trong đó kết hợp tất cả các yếu tố sản xuất trên toàn thế giới để làm lợi cho đa phần các bên tham gia vào quá trình này.
Nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc ngày nay đã ở một vị trí tốt hơn để tăng nhập khẩu từ Mỹ. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước và giúp tạo ra sự cân bằng trong thương mại song phương. Một Trung Quốc hiện đại đang cần đầu tư từ các nước khác, kể cả nước phát triển và đang phát triển. Và Trung Quốc cần nhập khẩu một số sản phẩm và công nghệ kép để giúp cân bằng thương mại Trung - Mỹ.
Trong nhiều năm, Mỹ đã hứa hẹn sẽ nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu một số sản phẩm đến Trung Quốc và chính quyền Barack Obama đã tuyên bố nhiều lần rằng, họ sẽ tạo thuận lợi cho việc xuất hàng tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, không chỉ là lời nói, Mỹ cần có biện pháp thích hợp để tôn trọng cam kết của mình.
Bắc Kinh đã nhận thấy những quan ngại của Washington về việc xuất khẩu hàng đó. Đầu tiên, Mỹ lo lắng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR) ở Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ đang lo lắng về việc liên kết đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc và nhu cầu chuyển giao công nghệ; đồng thời, Mỹ cũng quan ngại về khả năng chuyển hướng các sản phẩm công nghệ kép, từ mục đích ban đầu sang ứng dụng vào lĩnh vực khác.
Đây không phải là những lý do hợp lý để thể hiện sự tôn trọng các đối tác thương mại, bởi tất cả các chính phủ đều cam kết bảo vệ các phát minh về công nghệ và duy trì lợi thế cạnh tranh của họ.
Phiên họp lần thứ 23 của Ủy ban hỗn hợp thương mại và mậu dịch Mỹ - Trung (JCCT) diễn ra tại Washington ngày 19-12-2012 |
Tuy nhiên, nếu đó là sự quan ngại quá mức, thay vì thái độ hợp tác, thì sẽ không thể xoa dịu căng thẳng và cũng không xây dựng được lòng tin. Thực ra, Trung Quốc và Hoa Kỳ phải thống nhất rằng, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ hợp lý và giữ cho hàng hóa và công nghệ nhập khẩu được ứng dụng đúng mục đích, là lợi ích chung lâu dài của cả hai phía.
Để chấm dứt tình trạng này, Bắc Kinh và Washington nên đối thoại thẳng thắn và nỗ lực hiện thực hóa các cam kết đã đạt được tại vòng đàm phán mới đây của Ủy ban hỗn hợp thương mại và mậu dịch Trung - Mỹ. Trung Quốc đã thực hiện cam kết của mình bằng cách sử dụng phần mềm chính hãng trong tất cả các cấp cơ quan chính quyền và các doanh nghiệp nhà nước trung ương. Hơn nữa, sự tuân thủ những cam kết của Trung Quốc cũng cần được kiểm chứng vì sự minh bạch là yếu tố cần thiết để đảm bảo quan hệ thương mại Trung - Mỹ và khuyến khích sự đổi mới ở Trung Quốc.
Trung Quốc và Hoa Kỳ còn nhiều khoảng trống dành cho hợp tác để duy trì tốt đẹp quan hệ thương mại kinh tế song phương. Đối với những quan ngại của mình, Mỹ nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc để thiết lập cơ chế xác minh chung nhằm ngăn chặn sản phẩm công nghệ kép bị chuyển đổi mục đích ứng dụng.
Khái niệm về hợp tác kinh doanh và an ninh này cũng có thể áp dụng đối với đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Washington mới đây đã từ chối nhà sản xuất máy móc hạng nặng Sany của Trung Quốc đầu tư vào năng lượng gió ở Mỹ vì địa điểm được đề xuất quá gần một cơ sở quân sự. Nếu các lý do mà Hoa Kỳ đưa ra là chính đáng đi chăng nữa, thì liệu chính phủ hai nước có thể thảo luận để thống nhất một địa điểm thích hợp cho dự án đầu tư đó được hay không? Trong suốt ba thập kỷ cải cách kinh tế của mình, Trung Quốc đã thu hút được hàng chục tỷ đô la đầu tư của Mỹ. Ở khía cạnh nào đó, Trung Quốc cũng đã dẫn đầu thế giới về sự cởi mở.
Cách tiếp cận tốt nhất cho hợp tác thương mại trong thời đại toàn cầu hóa là hợp tác minh bạch. Thế kỷ 21 đòi hỏi Trung Quốc và Hoa Kỳ hợp tác cùng có lợi thay vì vướng vào trò chơi có tổng bằng không. Nhưng để đạt được điều đó, hai nước phải tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhau.
Do đó, Bắc Kinh và Washington nên làm mới mối quan hệ bằng cách cải thiện lòng tin và minh bạch hơn.
Vĩnh Thụy (Chinadaily, SNA)