.

Biểu tình phản đối chính phủ ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha

.

(ĐNĐT) - Hôm 16-2, người Tây Ban Nha đã đổ ra đường phố ở các thành phố để phản đối việc trục xuất ra khỏi nhà với lý do chậm trễ thanh toán các khoản vay mua nhà của họ. Người biểu tình diễu hành với các biểu ngữ và khẩu hiệu như: “Hãy cứu lấy nhân dân, không phải là các ngân hàng”.

Cảnh sát ước tính khoảng 5.000 người đã đổ về thủ đô Madrid để biểu tình phản đối. Số người bị đuổi ra khỏi nhà đã tăng nhanh trong 5 năm qua ở Tây Ban Nha kể từ khi cái gọi là sự bùng nổ của bong bóng nhà đất. Khoảng 350.000 người đã bị buộc ra khỏi chỗ ở của họ từ năm 2008. Các cuộc biểu tình lớn tương tự cũng được tổ chức tại Barcelona và Seville, đa số các cuộc tuần hành diễn ra trong hòa bình.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đang là nguyên nhân chính dẫn đến những bất ổn xã hội ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đang là nguyên nhân chính dẫn đến những bất ổn xã hội ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Tây Ban Nha đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp hơn 25%, trong đó trên 50% người thất nghiệp ở độ tuổi 18-25. Lĩnh vực tài chính “ốm yếu” của nước này đã nhận được khoản vay khẩn cấp quốc tế, với gói cứu trợ ngân hàng được đưa ra như là một cách để ngăn chặn mở rộng hỗ trợ từ bên ngoài.

Cũng trong ngày 16-2, hàng nghìn người ở nước láng giềng Bồ Đào Nha đã đổ ra đường phố ở Lisbon để phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ nhằm cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế buộc phải thực hiện như một phần của thỏa thuận để đảm bảo khoản vay khẩn cấp từ các đối tác châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2011. Người biểu tình mang theo biểu ngữ: “Sự hy sinh của chúng tôi đang rơi vào túi của những tên trộm: các ngân hàng và các chính trị gia”.

Những người biểu tình cho rằng chính sách kinh tế khắc khổ mà chính phủ nước này áp đặt là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thất nghiệp cao, giảm đầu tư cho giáo dục, phúc lợi xã hội và bảo hiểm y tế... ảnh hưởng đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Những người biểu tình yêu cầu chính phủ hủy bỏ các cam kết với Liên minh châu Âu và IMF, đồng thời từ chức và tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới.

Hiệu quả kinh tế của Bồ Đào Nha đã trở nên tồi tệ hơn với việc áp dụng các biện pháp kinh tế khắc khổ, với suy thoái kinh tế sâu sắc và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 16,9%, trong đó khoảng 40% người thất nghiệp là giới trẻ.

Tổ chức công đoàn Bồ Đào Nha CCTP đã kêu gọi cuộc biểu tình hôm 16-2 cho biết, hàng chục ngàn người đã tham gia trên khắp đất nước.

Vĩnh Thụy (AFP, AP, dpa)

;
.
.
.
.
.