(ĐNĐT) - Đảng Hồi giáo cầm quyền ở Tunisia đã bác bỏ kế hoạch của Thủ tướng nước này đề nghị thành lập chính phủ gồm các nhà kỹ trị trong bối cảnh bất ổn xảy ra sau vụ ám sát một chính trị gia đối lập hàng đầu tại quốc gia này.
Bạo lực tiếp tục leo thang sau cái chết của ông Chokri Belaid hôm 6-2. |
Hôm 7-2, các nhà lãnh đạo quốc hội của Đảng Hồi giáo cầm quyền Ennahda ở Tunisia đã bác bỏ kế hoạch hình thành một chính phủ mới gồm các nhà kỹ trị được công bố trước đó của Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali.
“Chúng tôi đã từ chối đề nghị này... Người đứng đầu chính phủ đã ra quyết định mà không cần tham khảo ý kiến của liên minh cầm quyền hoặc phong trào Ennahda”, một lãnh đạo của đảng Ennahda Sahbi Atig nói trên truyền hình quốc gia.
Một nhân vật cao cấp khác trong đảng cho biết ý tưởng về thiết lập một chính phủ kỹ trị là không thể chấp nhận được.
“Chúng tôi ở trong đảng Ennahda tin hiện tại Tunisia cần một chính phủ chính trị… Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với các bên liên quan về việc thành lập một chính phủ liên minh”, Phó Chủ tịch đảng Abdelhamid Jelassi cho biết.
Thủ tướng Jebali đã đề xuất việc thành lập một nội các gồm các nhà kỹ trị nhằm phản ứng sau vụ ám sát ông Chokri Belaid, thủ lĩnh Đảng Những người yêu nước dân chủ (DPP) đối lập ở Tunisia hôm 6-2. Theo kế hoạch, chính phủ mới sẽ được ủy thác giới hạn để quản lý các công việc của đất nước cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức trong thời gian ngắn nhất có thể.
Trước đó, ông Chokri Belaid đã bị bắn chết bên ngoài nhà của ông ở thủ đô Tunis. Chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ ám sát. Ông Belaid là người đã lên tiếng chỉ trích bạo lực của nhóm Hồi giáo cực đoan. Ông đã cáo buộc đảng cầm quyền Ennahda không làm hết trách nhiệm để giải quyết vấn đề trên.
Vụ ám sát đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên khắp đất nước Tunisia. Hôm 7-2, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát tại thủ đô Tunis và tại phía nam thành phố Gafsa. Hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường kêu gọi chính phủ phải từ chức.
Vĩnh Thụy (Reuters, AFP, AP)