(ĐNĐT) - Ngày 22-2, Thống đốc bang Washington của Mỹ cho biết ít nhất 6 bồn chứa chất thải hạt nhân ngầm có từ thời Chiến tranh Lạnh đã rò rỉ chất thải phóng xạ.
Bãi thải hạt nhân Hanford, bang Washington, Mỹ. Ảnh: AFP |
Theo Thống đốc bang Washington - Jay Inslee, tin tức về vụ rò rỉ của 6 bồn chứa đang đặt ra các câu hỏi nghiêm túc về sự toàn vẹn của tất cả 177 bồn chứa chất thải lỏng có phóng xạ.
Cách đó một tuần, Bộ Trưởng Năng lượng Mỹ, Steven Chu thông báo với Thống đốc Inslee rằng đã có 1 trong số các bồn chứa bị rò rỉ với lưu lượng 150 đến 300 gallon mỗi năm. Tuy nhiên, vị bộ trưởng này cũng thừa nhận đã không phân tích đầy đủ các dữ liệu có thể chứng tỏ các bồn chứa khác cũng xảy ra hiện tượng rò rỉ chất thải.
Bãi thải hạt nhân Hanford nằm ở phía đông nam bang Washington. Đây là nơi đầu tiên sản xuất nhiên liệu Plutonium cho bom hạt nhân từ thời Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Hai quả bom được thả xuống nước Nhật đã được sản xuất tại nơi này.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, công suất của khu chế tạo này đã gia tăng nhưng vào năm 1987, lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của nơi này đã bị đóng cửa và trở thành bãi chứa ngầm chất thải hạt nhân.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, hiện nơi này có 177 bồn chứa hàng triệu lít chất thải lỏng được chôn ngầm trong lòng đất. Nơi này cách sông Columbia 5 dặm (gần 10 km).
Quang Hiển (theo CNA, CNN)