(ĐNĐT) - Trước những nguy cơ đe dọa an ninh do tin tặc Trung Quốc và các nước khác gây ra, ngày 20-2, Nhà Trắng đã tiết lộ một chính sách mới để áp đặt lệnh trừng phạt và các hình thức xử phạt khác lên các nước khác tham gia vào việc gián điệp trên mạng.
Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã công bố dự thảo kế hoạch dày 141 trang để thực hiện các hình phạt gắt gao đối với các quốc gia - nhà nước bị bắt khi ăn cắp các bí mật về thương mại và các tin tức tình báo trong các hệ thống máy tính của Mỹ.
Kế hoạch trên còn bao gồm cả việc phối hợp với các chính phủ có cùng quan điểm để gia tăng áp lực lên các phần tử xấu bằng cách sử dụng các công cụ quản lý chính sách thương mại, tăng cường việc truy tố tội phạm gián điệp công nghệ.
Ngoài ra, kế hoạch cũng sẽ đề xuất việc xem xét mức độ cần thiết của việc ban hành luật pháp của nước Mỹ nếu thấy cần thiết.
Sau hai thập niên cảnh báo về tin tặc, hiện mối nguy này ngày càng gia tăng và nạn nhân gồm các cá nhân, công ty và cả quốc gia. Ảnh: WP |
Phát biểu tại Nhà Trắng tại buổi công bố kế hoạch trên, Bộ Trưởng Tư pháp Mỹ, Eric Holder cho rằng: “Một tin tặc tại Trung Quốc cũng có thể lấy được mã nguồn từ một công ty tại Virginia mà không cần phải bước ra khỏi bàn làm việc của mình bởi công nghệ mới đã xóa bỏ các rào cản truyền thống trong giao thương quốc tế và thương mại toàn cầu. Chúng cũng giúp cho bọn tội phạm dễ dàng đánh cắp các bí mật ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”.
Tuần trước, Hạ nghị sĩ Dutch Ruppersberger, người đứng đầu Ủy ban tình báo thuộc Hạ viện Mỹ cho biết, năm 2012, các công ty của Mỹ đã chịu tổn thất ước tính hơn 300 tỉ USD do nạn ăn cắp bí mật thương mại mà trong đó, phần lớn là do gián điệp công nghệ Trung Quốc thực hiện.
Báo cáo của Nhà Trắng đã nêu danh sách 17 trường hợp ăn cắp bí mật thương mại mà các công ty hoặc cá nhân của Trung Quốc tiến hành trong năm 2010. Trong số nạn nhân của các vụ đánh cắp trên có General Motors, Ford, Dupont, Dow Chemical, Motorola, Boeing và Cargill.
Các nạn nhân của các vụ đánh cắp đó có thể phải trả giá cho việc bốc hơi của các khoản đầu tư nghiên cứu do gián điệp gây ra, mất vị thế thị trường, mất khả năng cạnh tranh lẫn hiệu quả kinh doanh.
“Việc đánh cắp bí mật thương mại đe dọa tới các doanh nghiệp Mỹ, ảnh hưởng xấu tới an ninh quốc gia và đặt an ninh kinh tế Mỹ vào chỗ nguy hiểm. Các hành động này cũng làm giảm sút viễn cảnh xuất khẩu của Mỹ trên thế giới và gây nguy hiểm cho công ăn việc làm của người Mỹ”, báo cáo viết.
Theo các phân tích chi tiết do hãng Mandiant công bố tuần qua, các tin tặc do chính phủ Trung Quốc tuyển mộ đã tiến hành cuộc chiến trên mạng phức tạp chống lại các cơ quan của Mỹ và các nơi khác, gây tác động tới hơn 100 mạng máy tính trong vài năm gần đây.
Tờ Washington Post cho biết, Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton nói trước khi từ nhiệm rằng: “Chúng tôi đã bắt đầu nói rõ cho phía Trung Quốc biết rằng, Mỹ sẽ tiếp tục có hành động bảo vệ không chỉ chính phủ mà còn cả khu vực tư nhân khỏi những hành động xâm phạm trái phép như thế này”.
“Hầu hết các thể chế quyền lực tại Washington đều bị gián điệp - tin tặc Trung Quốc thâm nhập”, Washington Post ngày 20-2 cho biết.
Quang Hiển (theo RT, Reuters, WP)