.

Phát hiện phóng xạ Xenon-133 trên bầu trời Nhật Bản

.

(ĐNĐT) - Ngày 21-2, Bộ Khoa học Nhật Bản cho biết, đã phát hiện ra dấu vết của nguyên tố Xenon-133 trong các chuyến bay giám sát trên vùng trời Nhật Bản, sau một ngày Triều Tiên thử hạt nhân thứ ba hôm 12-2.

Nhân viên của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, Akira Nagai trình bày biểu đồ cho thấy tâm của hoạt động địa chấn, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân hôm 12-2-2013. Ảnh:AFP
Nhân viên của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, Akira Nagai trình bày biểu đồ cho thấy tâm của hoạt động địa chấn, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân hôm 12-2-2013. Ảnh:AFP

Báo Jiji Press cho biết, tỉ lệ chất phóng xạ lên tới 1,9 millibecquerel trên mỗi mét khối không khí đã được phát hiện tại các mẫu thu thập ở độ cao 300 mét ngoài khơi bờ biển tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản.

Xenon-133 phát xạ vào không khí không chỉ từ nguồn của một vụ nổ nguyên tử mà còn từ các nhà máy điện nguyên tử và các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, giới chức Bộ Quốc phòng Nhật cho biết, họ không rõ liệu Xenon đó có liên quan tới vụ thử hạt nhân ngầm của Triều Tiên hay không.

Sau vụ thử hạt nhân nói trên, các tàu chiến và máy bay của lực lượng không quân Hàn Quốc có gắn thiết bị tìm kiếm độ nhạy cao đã được huy động để thu thập các dấu vết của chất phóng xạ. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Seoul cho biết hôm 14-2 rằng, họ không thể phát hiện được bất kỳ dấu vết nào.

Theo Reuters, Mỹ và các nước đồng minh cũng đã không thu thập được chứng cứ khoa học nào từ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Hiện câu hỏi Triều Tiên đã tiến bao xa trong công nghệ chế tạo bom hạt nhân vẫn còn chưa được giải đáp.

Các chuyên gia Mỹ và phương tây cũng nóng lòng muốn biết liệu Triều Tiên có sử dụng Uranium làm giàu cao trong lần thử mới nhất này hay là Plutonium như trong hai lần thử năm 2006 và 2009 hay không.

Một chương trình làm giàu Uranium sẽ đem lại cho Triều Tiên một cách thức mới, dễ dàng hơn trong sản xuất vật liệu chế tạo bom hạt nhân.

Quang Hiển (theo CNA, Reuters)

;
.
.
.
.
.