.

Tàu Trung Quốc nhắm radar tác chiến vào tàu Nhật

.

(ĐNĐT) - Ngày 5-2, Nhật Bản cho biết một tàu chiến Trung Quốc đã hướng radar tác chiến vào một tàu hộ tống của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, buộc Tokyo phải lên tiếng phản đối.

Bản đồ vị trí của nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, tâm điểm tranh chấp về chủ quyền biển, đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: BBC
Bản đồ vị trí của nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, tâm điểm tranh chấp về chủ quyền biển, đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: BBC

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Itsunori Onodera, vụ việc xảy ra hôm 30-1 gần với nhóm đảo đang là tâm điểm tranh chấp Nhật - Trung trên Biển Hoa Đông.

“Hôm 30-1, có thứ gì đó như là một radar tác chiến đã nhằm vào một tàu hộ tống của Lực lượng Phòng vệ Nhật trên Biển Hoa Đông”, ông Onodera phát biểu hôm 5-2.

Theo hãng tin Kyodo, Bộ trưởng Onodera cho biết tàu Yuudachi của Nhật và tàu chiến Trung Quốc lúc đó cách nhau 3 kilomet.

Khi được hỏi vì sao việc phản đối chậm trễ như vậy, ông Onodera cho biết đến ngày thứ Ba (5-2), Bộ Quốc phòng mới quyết định được rằng một radar tác chiến thực sự đã nhằm vào tàu Nhật.

Theo đó, vụ việc buộc Tokyo phải triệu hồi đại sứ Trung Quốc để phản đối.

Ông Onodera còn cho biết thêm, một máy bay trực thăng quân sự của Nhật cũng bị một radar tác chiến nhằm vào bởi một tàu chiến Trung Quốc hôm 19-1.

“Việc nhắm radar như vậy là rất bất thường. Chúng tôi nhìn nhận rằng nó sẽ tạo ra một tình huống nguy hiểm nếu chỉ một sơ suất xảy ra”, ông Onodera nói.

Các radar sử dụng sóng vô tuyến để xác định mục tiêu và sau đó hướng các tên lửa và vũ khí khác vào mục tiêu.

Tranh chấp về chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông đã leo thang trong những tháng gần đây. Tuần trước, tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh dường như đã dịu bớt sau khi một phái đoàn Nhật Bản gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc và cả hai bên bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ.

Tuy nhiên, ngày 4-2, các tàu tuần tra Trung Quốc đã trở lại vùng biển tranh chấp quanh nhóm đảo nói trên.

Trong ngày 5-2, Tokyo cũng đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối việc tàu hải giám Trung Quốc thâm nhập vùng biển quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Quang Hiển (theo CNA, BBC)

;
.
.
.
.
.