(ĐNĐT) - Ngày 28-2, chính phủ Thái Lan đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán với một nhóm phiến quân Hồi giáo lớn, đánh dấu một bước đột phá trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở miền Nam nước này khiến 5.000 người thiệt mạng kể từ năm 2004.
Thỏa thuận được ký kết tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia giữa các quan chức an ninh cấp cao của Thái Lan và các thành viên của nhóm Revolusi Barisan Nasional (BRN), tiếng Mã Lai có nghĩa là “Mặt trận cách mạng quốc gia”, mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình chính thức đầu tiên với quân nổi dậy ở miền Nam.
Tổng Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr (giữa trái) bắt tay với lãnh đạo BRN Hassan Taib (giữa phải) trong lễ ký kết tại Kuala Lumpur hôm 28-2. |
Chính phủ và quân đội Thái Lan đã liên lạc với các nhóm nổi dậy và tuyên bố một số thành công trong việc mở đường cho các hợp tác quan trọng. Tuy nhiên, không công khai việc tổ chức các cuộc hội đàm với các nhóm phiến quân khác nhau hoạt động ở miền Nam.
“Đây là một cột mốc quan trọng”, ông Anthony Davis, một nhà phân tích của công ty tư vấn an ninh IHS-Jane có trụ sở tại Thái Lan cho biết
Malaysia đã giúp làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Philippines và phiến quân Hồi giáo trong tháng 10-2012 và hiện đang đóng vai trò hòa giải trong các cuộc đàm phán với các nhóm nổi dậy tại Thái Lan.
Các quan chức Thái Lan cho rằng, các cuộc tấn công ở miền Nam được tổ chức bởi nhóm BRN, một nhánh của Mặt trận giải phóng dân tộc Patani - Malay, được thành lập vào những năm 1960 để tìm kiếm quyền tự trị lớn hơn.
Thỏa thuận được ký kết sau khi bạo lực leo thang những tháng gần đây. 16 phiến quân đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của Thái Lan ngày 13-2. Phiến quân đã trả đũa bằng một loạt các cuộc tấn công bao gồm cả một vụ nổ tại tỉnh Pattani làm hai nhân viên an ninh thiệt mạng.
Làn sóng chống quy định về Phật giáo từ chính phủ Bangkok đã tồn tại trong nhiều thập kỷ tại các tỉnh miền Nam, nơi chủ yếu là người Hồi giáo sinh sống. Làn sóng này có dấu hiệu suy yếu một thời gian ngắn trong những năm 1990, trước khi bùng phát dữ dội vào tháng 1-2004.
Lê Na (Reuters, AFP)