.

Thất bại của Thủ tướng Tunisia

.

Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali tuyên bố từ chức sau khi ông không thành lập được Chính phủ kỹ trị để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng chính trị.

Ông Hamadi Jebali (giữa) đến tham dự cuộc họp với các đảng chính trị để tháo gỡ khủng hoảng.  								            Ảnh: AP
Ông Hamadi Jebali (giữa) đến tham dự cuộc họp với các đảng chính trị để tháo gỡ khủng hoảng. Ảnh: AP

Thủ tướng Jebali công bố việc từ chức sau cuộc họp với Tổng thống Moncef Marzouki. Ông Jebali cho biết, động thái của mình là cách tốt nhất cho Tunisia và cũng để giữ lời hứa trước đó rằng nếu sáng kiến thành lập Chính phủ kỹ trị thất bại thì ông sẽ từ chức. Phát biểu tại dinh Tổng thống, ông Jebali cho rằng, người dân đang bày tỏ sự thất vọng lớn đối với Chính phủ và các nhà chức trách phải giành lại niềm tin của người dân.

Theo AP, việc ông Jebali từ chức sẽ làm gia tăng bất ổn chính trị ở Tunisia - đất nước trải qua cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Zine al-Abedine Ben Ali vào tháng 1-2011, khởi đầu cho phong trào Mùa Xuân Arab. Hơn nữa, việc từ chức này diễn ra cùng thời điểm Standard & Poor’s (S&P) hạ xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Tunisia do bất ổn chính trị. AP nhận định: Đây là đòn giáng vào quốc gia Bắc Phi trong lúc nỗ lực phục hồi kinh tế.

Khủng hoảng chính trị ở Tunisia bắt đầu từ vụ ám sát lãnh đạo đối lập Chokri Belaid vào ngày 6-2 vừa qua, làm biểu tình và bạo lực bùng phát. Không ai nhận trách nhiệm về vụ việc này, nhưng những người theo chủ nghĩa thế tục hoài nghi Chính phủ bất lực, để mặc lực lượng Hồi giáo cực đoan đe dọa sự ổn định của đất nước. Gia đình Belaid cũng đổ lỗi cho đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda đứng sau vụ ám sát.

Thủ tướng Jebali đã ra lệnh giải tán liên minh Chính phủ, đồng thời hình thành nội các mới không đảng phái, gồm các nhà kỹ trị. Động thái của ông Jebali được phe đối lập hoan nghênh, nhưng không nhận được sự đồng tình từ chính đảng của mình - Đảng Ennahda. Điều này minh chứng không chỉ có sự chia rẽ trong các đảng khác nhau ở Tunisia và ngay trong nội bộ Ennahda cũng có sự rạn nứt. Ennahda không những đang kiểm soát Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, mà còn chiếm đa số ghế tại Quốc hội và không muốn từ bỏ quyền lực. Vì vậy, sẽ không có một Chính phủ tồn tại được nếu không có sự hậu thuẫn của Ennahda.

Thủ tướng Jebali cho rằng, một Chính phủ không đảng phái là cách tốt nhất để đất nước không đi chệch hướng. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông không được đền đáp. Bày tỏ sự thất vọng, ông Jebali nói: “Thất bại của tôi không có nghĩa là thất bại của đất nước Tunisia hay thất bại của cách mạng”, hàm ý nhắc đến cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali.

Theo Reuters, hiện có một số ứng viên cho vị trí Thủ tướng, bao gồm Bộ trưởng Y tế Abdelatif Mekki và Bộ trưởng Tư pháp Moureddine Bhiri. Dù được Tổng thống Moncef Marzouki yêu cầu tiếp tục nắm quyền nhưng ông Jebali khẳng định không trở lại nắm quyền “theo bất kỳ sáng kiến nào mà không thể đưa ra thời điểm cụ thể để tiến hành bầu cử”.

S&P nhận định: Với bất ổn hiện tại, kinh tế Tunisia không thể phục hồi trong năm 2013. Tunisia đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về khoản vay 1,78 tỷ USD và các nhà chính trị nói rằng, việc ông Jebali không thành lập được một Chính phủ hoạt động bình thường đã làm chậm những nỗ lực khôi phục tăng trưởng. Kinh tế của quốc gia Bắc Phi này phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang châu Âu cũng như du lịch. Song, bạo lực và khủng hoảng tài chính đã tác động đến các đối tác thương mại châu Âu của Tunisia. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tunisia hiện khoảng 18%, trong khi lạm phát ở mức 10%.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.