.
Thế giới tuần qua

Chặng đường mới của John Kerry

.

Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó mà người tiền nhiệm Hillary Clinton để lại, trong đó có câu chuyện hòa bình giữa Israel-Palestine, khủng hoảng ở Syria, chương trình hạt nhân của Iran…. 

Bà Hillary Clinton chúc mừng ông John Kerry.         Ảnh: Reuters
Bà Hillary Clinton chúc mừng ông John Kerry. Ảnh: Reuters

Đó cũng là nhận định của người vừa rời chiếc ghế Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, về những thách thức của người kế nhiệm. Dù trong nhiệm kỳ của mình, bà Clinton được đánh giá là Ngoại trưởng xuất sắc với các chính sách đối ngoại khôn ngoan và chính bà cũng nói rằng “thế giới đã trở thành nơi an toàn hơn”, nhưng khi tiếp quản “di sản” của bà thì chặng đường phía trước của Thượng nghị sĩ bang Massachusetts, người tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1-2 vừa qua, không hề đơn giản.

Đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, Mỹ hàm ý sẽ thúc đẩy vấn đề này trở lại, nhưng tân Ngoại trưởng John Kerry được cho là sẽ có những động thái thận trọng để không thất bại như nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama.  

Khi chính thức nắm quyền lần đầu vào năm 2009, ông Obama xem hòa bình giữa Israel và Palestine là công việc ưu tiên. Hai ngày sau đó, ông đến Bộ Ngoại giao và công bố cựu Thượng nghị sĩ George Mitchell là đại sứ đặc biệt của mình về vấn đề Trung Đông. Nhưng 4 năm sau, trong những câu chuyện của ông Obama, khu vực vốn được mệnh danh là “chảo lửa” ít được chú trọng. Các cuộc đàm phán chính thức giữa Israel và Palestine đã đổ vỡ vào năm 2010 chỉ sau khi nối lại trong vài tuần. Năm 2011, đại sứ Mitchell từ chức trong khi cả Israel lẫn Palestine đều tiếp tục đối đầu nhau. Tel Aviv tiến hành xây dựng các khu tái định cư Do Thái, còn Palestine muốn được công nhận là Nhà nước độc lập và tìm kiếm nâng cấp vị trí tại Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Aaron David Miller, Phó Chủ tịch Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson, bày tỏ tin tưởng rằng, Tổng thống Obama và ông Kerry sẽ có những mối quan tâm chung. Ông Miller cũng là người cố vấn cho các ngoại trưởng Mỹ về đàm phán hòa bình giữa Arab với Israel giai đoạn 1982-2003.  

Theo giới quan sát, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama là cơ hội mới với Kerry để ông khẳng định vai trò của mình trên cương vị Ngoại trưởng, mặc dù nghị sĩ của Đảng Dân chủ này vẫn giữ bí mật về mối quan tâm Trung Đông. Giải pháp hai nhà nước với việc người Israel sống dọc lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza hiện vẫn gây tranh cãi. Để tìm tiếng nói chung, Israel và Palestine sẽ phải thống nhất về các đường biên giới, những khu tái định cư Do Thái, vị trí của Jerusalem và số phận của người tị nạn Palestine, đồng thời bản thân Palestine phải hàn gắn những chia rẽ… Martin Indyk, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Chương trình Chính sách đối ngoại tại Viện cố vấn Brookings, cho rằng theo quan điểm của Ngoại trưởng Kerry, cánh cửa về giải pháp hai nhà nước đang đóng lại và LHQ phải ngăn chặn điều này để tiếp tục gieo hy vọng. Từng là đại sứ Mỹ tại Israel, ông Indyk hiểu rõ về những vướng mắc mà tân Ngoại trưởng phải đương đầu trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Trong khi đó, đối với chương trình hạt nhân của Iran, bà Clinton cảnh báo cánh cửa sẽ không mãi rộng mở với nước cộng hòa Hồi giáo này và Tehran có thể tiếp tục gánh chịu các biện pháp cấm vận cũng như áp lực từ cộng đồng quốc tế sẽ gia tăng. Thực tế, sự cứng rắn của Iran, bất chấp các động thái trừng phạt từ phía Mỹ cũng như LHQ, đã làm bà Clinton trong nhiệm kỳ của mình lúng túng, không thể bắt Tehran ngừng chương trình làm giàu uranium và ngồi vào bàn đàm phán.

Riêng trong cuộc khủng hoảng ở Syria, đến nay, Mỹ không có động thái nào rõ ràng ngoài việc kêu gọi kết thúc xung đột. Bà Clinton gọi đây là “cuộc khủng hoảng gây bất ổn trên mọi mặt”, thậm chí nói rằng, “mọi sự dự đoán tồi tệ nhất về những điều có thể xảy ra ở cả trong và ngoài lãnh thổ Syria đều có thể trở thành hiện thực”. Chưa rõ “sự dự đoán tồi tệ nhất” trở thành hiện thực như thế nào, nhưng nếu ông Kerry chủ trương can dự vào Syria thì giải quyết cuộc khủng hoảng này sẽ không dễ.

Tổng thống Obama gọi ông Kerry là “sự lựa chọn hoàn hảo” cho vị trí Ngoại trưởng. Vì vậy, ở cương vị mới, ông sẽ phải có những chính sách linh hoạt, trong đó có việc khôi phục uy tín của ngành ngoại giao Mỹ sau cuộc điều tra chính thức phát hiện những sai sót về an ninh của cơ quan này, dẫn đến vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libya) ngày 11-9 năm ngoái. Bên cạnh đó, trong chiến lược hướng đến châu Á - Thái Bình Dương, ông phải duy trì sự cân bằng tinh tế giữa các mối quan hệ với Nhật Bản và Trung Quốc.

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.