.

Thổ Nhĩ Kỳ: Phe cánh tả đã đánh bom Đại sứ quán Mỹ

.

(ĐNĐT) - Một thành viên của phe cánh tả Thổ Nhĩ Kỳ, buộc tội Washington về việc sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như là “nô lệ”, đã tiến hành vụ đánh bom tự sát tấn công Đại sứ quán Mỹ, quan chức chính phủ tại Ankara xác nhận xét nghiệm DNA vào thứ Bảy 2-2 cho thấy điều đó.

Đánh bom bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Ankara. Ảnh: Reuters
Đánh bom bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Ankara. Ảnh: Reuters

Ecevit Sanli, một thành viên của Mặt trận Cách mạng giải phóng Dân tộc (DHKP-C) Thổ Nhĩ Kỳ, đã nổ bom tự sát ở cổng bên ngoài khi hắn cố gắng vào tòa đại sứ và cũng đã giết chết một nhân viên bảo vệ người Thổ Nhĩ Kỳ.

DHKP-C, kịch liệt chống Mỹ và được Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách một tổ chức khủng bố, đã lên tiếng chịu trách nhiệm trong một công bố trên internet nói rằng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là “một con rối” của Mỹ.

“Mỹ - Kẻ giết người! Các anh sẽ không chạy thoát khỏi sự thịnh nộ của người dân”, công bố trên website "The People's Cry" nói, cạnh đó là một bức ảnh Sanli đội mũ nồi đen và quần áo kiểu quân đội cùng với vòng dây đai thuốc nổ quanh thắt lưng.

Website này cảnh báo Thủ tướng Erdogan rằng ông ta cũng là mục tiêu.

Xét nghiệm DNA xác thực rằng, Sanli là kẻ đánh bom, quan chức chính phủ tại Ankara nói.

Sinh năm 1973 ở thành phố cảng Ordu bên Biển Đen, Sanli đã bị bắt vào tù năm 1997 vì tấn công một trụ sở cảnh sát và trường quân sự ở thủ đô Istanbul, nhưng bản án của hắn đã được hoãn khi hắn ta bị ốm sau một cuộc tuyệt thực. Hắn không bao giờ bị giam trở lại.

Bị kết án tù năm 2002, hắn đã trốn chạy khỏi đất nước một năm sau đó, các quan chức cho hay.

Thủ tướng Erdogan, vài giờ sau vụ tấn công mà DHKP-C chịu trách nhiệm, đã gặp các bộ trưởng Nội vụ và Ngoại giao cùng với người đứng đầu quân đội và cơ quan quan ninh ở Istanbul vào thứ Bảy để bàn về vụ đánh bom này.

Ba người đã bị bắt giữ ở Istanbul và Ankara vì liên quan đến vụ tấn công, hãng thông tấn nhà nước TRT nói.

Nhà Trắng đã lên án vụ đánh bom như là “hành động khủng bố”, trong khi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc mô tả đó là một hành động tàn ác.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông với những mối quan tâm chung từ vấn đề an ninh năng lượng đến việc chống khủng bố.

M.H (Reuters)

;
.
.
.
.
.