.

Tìm giải pháp cho khủng hoảng Syria

.

Ngoại trưởng Syria đến Trung Quốc để bàn thảo giải pháp kết thúc cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Những người ủng hộ chào đón Tổng thống Bashar al-Assad sau một lễ cầu nguyện ở Damascus. 								         Ảnh: Reuters
Những người ủng hộ chào đón Tổng thống Bashar al-Assad sau một lễ cầu nguyện ở Damascus. Ảnh: Reuters

Reuters ngày 4-2 cho biết, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem hiện diện ở Trung Quốc từ ngày 4-2 đến 7-2 và gặp gỡ người đồng cấp Dương Khiết Trì.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 4-2, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh xác nhận thông tin trên và nói rằng, đây là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy giải pháp chính trị đối với vấn đề Syria.

Tháng 4 năm ngoái, ông Moualem cũng đến Trung Quốc, một trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Trung Quốc và Nga đã phủ quyết 3 dự thảo Nghị quyết của HĐBA LHQ muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad và gây áp lực để kết thúc cuộc nội chiến. Tuy nhiên, theo Reuters, Trung Quốc thể hiện quan điểm nước này không đứng về bên nào. Dù không có ảnh hưởng nhiều ở Trung Đông nhưng Trung Quốc mời cả các quan chức Syria lẫn lực lượng đối lập ở Damascus đến Bắc Kinh. Cường quốc châu Á thúc giục Chính phủ Syria đối thoại với phe đối lập và có những động thái để đáp ứng yêu cầu thay đổi chính trị. Đồng thời, Bắc Kinh cho rằng, nên thành lập một chính phủ chuyển tiếp.

Trong lúc đó, lực lượng đối lập ở Syria muốn đàm phán với Nga và Iran - những đồng minh ủng hộ Tổng thống Assad. Lãnh đạo liên minh dân tộc Syria Moaz Alkhatib từ Đức đến đến Cairo (Ai Cập) để giải thích về quyết định đối thoại với Mátxcơva và Tehran. Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi hoan nghênh đề nghị của ông Alkhatib và khẳng định Tehran sẵn sàng bàn thảo với lực lượng đối lập Syria. Theo ông Salehi, nếu muốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 2 năm qua ở Syria thì 2 bên không nên tiếp tục đổ lỗi cho nhau.

Ngày 4-2, hai người Nga và một người Ý bị lực lượng đối lập ở Syria bắt giữ đã được phóng thích, để đổi lấy sự tự do của 3 phiến quân. Reuters cho biết, 3 công dân bị phiến quân bắt cóc trên đường từ thành phố Homs đến cảng Tartus của Syria vào ngày 12-12-2012.

Người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Iran, Saeed Jalili, tuyên bố nước này ủng hộ bất kỳ sáng kiến đối thoại nào giữa Tổng thống Assad với phe đối lập nhưng các cuộc đối thoại phải được tổ chức tại thủ đô Damascus. Ông Jalili còn nói thêm rằng, Irael sẽ hối tiếc về “hành động mới nhất” chống Syria (hàm ý nhắc đến cuộc không kích của Tel Aviv nhằm vào Damascus) và toàn bộ thế giới Hồi giáo sẵn sàng bảo vệ người dân Syria.

Về phía Nga, Itar-Tass dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng, việc phe đối lập ngồi vào bàn nghị sự với các đồng minh của Tổng thống Syria để tìm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng là bước đi quan trọng.

Tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) mới đây, động thái của ông Alkhatib được Mỹ, châu Âu và Trung Đông đánh giá là dũng cảm. Ông Alkhatib cũng nhấn mạnh sẵn sàng thương thảo với các đại diện của Chính phủ Assad với điều kiện các nhà lãnh đạo Damascus phải phóng thích 150.000 tù nhân và cấp hộ chiếu cho hàng chục ngàn người chạy sang lánh nạn ở các nước láng giềng.

Tuy nhiên, Walid al-Bunni, một trong 12 thành viên lãnh đạo phe đối lập, mô tả cuộc gặp gỡ giữa ông Alkhatib với Ngoại trưởng Iran là sự thất bại. Ông Bunni cho hay, liên minh gồm 70 thành viên đang chuẩn bị cho một hội nghị ở Cairo. Một thành viên trong liên minh của ông Alkhatib cũng nói rằng, Nga vẫn tiếp tục ủng hộ Tổng thống Assad.

Năm ngoái, tại Qatar, ông Alkhatib được chọn làm người đứng đầu liên minh dân tộc Syria với sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo - lực lượng đang nắm quyền tại Ai Cập.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.