.

Trung - Nhật tranh cãi về quần đảo tranh chấp

.

(ĐNĐT) - Ngày 8-2, Trung Quốc và Nhật Bản tố giác nhau về những động thái quân sự gần quần đảo tranh chấp, làm tăng sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai cường quốc châu Á này.

Nhật Bản cáo buộc một tàu chiến của Trung Quốc đã nhắm radar vào một tàu Nhật ở gần quần đảo tranh chấp hồi tháng trước.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc nêu trên, nói rằng khiếu nại của Nhật Bản là vô căn cứ và có thể làm tăng căng thẳng giữa hai nước.

Hôm thứ Sáu (8-2), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Doanh, cáo buộc Nhật Bản đã "khiêu khích" trong vụ này, và nói các tàu và máy bay Nhật Bản đã theo dõi các tàu của Trung Quốc đang được huấn luyện bình thường trong hải phận quốc tế.

Tàu hải giám Haijian 51 của Trung Quốc (phải) chạy cạnh tàu tuần duyên Akaishi của Nhật gần nhóm đảo đang tranh chấp.
Tàu hải giám Haijian 51 của Trung Quốc (phải) chạy cạnh tàu tuần duyên Akaishi của Nhật gần nhóm đảo tranh chấp.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida bác lời chối của Trung Quốc.

Ông cho biết một bản phân tích vụ việc nói trên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xác nhận rằng một tàu hộ tống hải quân Trung Quốc đã nhắm radar ngắm bắn vào một con tàu Nhật Bản ở Biển Hoa Đông vào ngày 30-1.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gọi các hành động bị cáo buộc của Trung Quốc là "nguy hiểm" và cho biết có thể dẫn đến một cuộc tấn công không lường trước.

Sự kiện trên là sự leo thang mới nhất trong tranh chấp kéo dài giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quyền sở hữu một nhóm đảo ở vùng biển nằm về phía đông Trung Quốc. Những hòn đảo này không có người ở, được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc, xung quanh có các ngư trường phong phú và có thể có dự trữ năng lượng.

Nhận định về vấn đề này, Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ nhấn mạnh vấn đề ngăn chặn những sự việc tương tự để tránh những đụng độ nghiêm trọng hơn: “Những gì chúng ta cần tại khu vực Biển Đông là một cơ chế ngăn chặn việc bất chấp các qui tắc ngoại giao và quyết định hành động quân sự ngay trên biển vì có thể dẫn đến những xung đột quân sự khó lường”.

Tú Linh (Theo Reuters)

;
.
.
.
.
.