(ĐNĐT) - Lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc thừa nhận sự tồn tại của “làng ung thư”, sau hàng thập niên ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Một trẻ em uống nước tại một con suối bị ô nhiễm nghiêm trọng ở huyện Fuyuan, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Những năm qua, các nhà hoạt động môi trường tại Trung Quốc từng nói rằng, tỉ lệ ung thư tại các làng quê gần các nhà máy và các dòng sông ô nhiễm cao hơn bình thường.
Giờ đây, Bộ Môi trường Trung Quốc đã thừa nhận sự tồn tại đó và kêu gọi minh bạch hơn nữa trong các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc có đề cập tới việc ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, nạn ô nhiễm hóa chất độc hại đã gây nên nhiều thảm họa về môi trường, cắt đứt nguồn cung cấp nước ngọt, thậm chí dẫn tới những vấn đề y tế và xã hội nghiêm trọng, chẳng hạn như các “làng ung thư”.
Kế hoạch trên còn phác thảo một chính sách khẩn cấp đối với việc sử dụng 58 loại hóa chất độc hại mà trong đó có nhiều chất hiện đã bị cấm sử dụng tại các nước phát triển.
Hiện Trung Quốc thiếu kiểm soát nguy cơ ô nhiễm, thiếu các chính sách ngăn chặn việc sử dụng hóa chất độc hại cao và nguy hiểm, và chính quyền các cấp chưa có sự quan trắc đầy đủ tới ô nhiễm môi trường.
90% nguồn nước ngầm tại các thành phố lớn Trung Quốc đã bị ô nhiễm ở nhiều mức độ khác nhau. Trong số 118 thành phố lớn của Trung Quốc, có 64 thành phố bị ô nhiễm nước ngầm nghiêm trọng. Điều này đang ở mức báo động cao bởi 70% dân số Trung Quốc dựa vào nguồn nước ngầm để sinh hoạt.
Theo Tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á, tại Trung Quốc hiện có 320 triệu người không được tiếp cận nguồn nước sạch, 190 triệu người đang uống nước bị ô nhiễm nghiêm trọng với nhiều hóa chất nguy hiểm.
Ung thư hiện là sát thủ lớn nhất tại Trung Quốc bởi trong vòng 30 năm qua, tỉ lệ tử vong từ bệnh này đã lên tới 80%, Bộ Y tế nước này cho biết.
Quang Hiển (theo RT)