.
2 NĂM SAU THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN Ở NHẬT

Tiến trình phục hồi quá chậm

.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết thúc đẩy việc tái thiết vùng Đông Bắc, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của trận động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân cách đây tròn 2 năm.

Cầu nguyện cho những người thiệt mạng ở Minamisanriku, tỉnh Miyagi.                               Ảnh: AP
Cầu nguyện cho những người thiệt mạng ở Minamisanriku, tỉnh Miyagi. Ảnh: AP

Cam kết của Thủ tướng Abe nhằm xoa dịu nỗi đau của những người có thân nhân thiệt mạng trong thảm họa nghiêm trọng nhất ở Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai đến nay. Với người dân ở xứ sở hoa anh đào, thời khắc 14 giờ 46 ngày 11-3-2011 với trận động đất mạnh 9 độ Richter kéo theo sóng thần đã để lại quá nhiều đau thương khi có đến gần 19.000 người chết hoặc mất tích và hơn 300.000 người hiện vẫn vô gia cư.

Kỷ niệm 2 năm ngày xảy ra thảm họa là dịp để người Nhật Bản nhìn lại sự kiện buồn đau, tưởng niệm những người xấu số và cũng để Chính phủ xem xét lại tiến trình phục hồi. Tại các đài tưởng niệm ở thủ đô Tokyo và ở những thị trấn khô cằn vùng Đông Bắc, nhiều người có mặt, cúi đầu mặc niệm. Với họ, ngày đen tối đó vẫn ám ảnh như mới xảy ra.

Tại một số nơi, công việc tìm kiếm 2.676 người mất tích vẫn tiếp tục. Phát biểu trong lễ tưởng niệm ở Nhà hát quốc gia Tokyo, Nhật hoàng Akihito cầu nguyện cuộc sống bình yên sớm trở lại với những người bị ảnh hưởng thảm họa. Theo AP, hai năm qua, Nhật Bản nỗ lực dọn dẹp bụi phóng xạ lan ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và xây dựng lại cộng đồng dân cư dọc bờ biển Đông Bắc. Chính quyền mới ở địa phương này được bầu vào tháng 12 năm ngoái cam kết hành động nhanh hơn nhưng đến nay chưa có một chiến lược năng lượng nào được đưa ra sau thảm họa.

Ở tỉnh Fukushima, nhà máy Fukushima Daiichi hiện ổn định nhưng khắc phục được các lò phản ứng bị phá hủy và hư hại sẽ phải mất nhiều thập niên, đồng thời tiêu tốn hàng tỷ USD. Tổng cộng 48/50 lò phản ứng đã ngừng hoạt động để kiểm tra an toàn. Khoảng 160.000 người sơ tán không biết có thể trở về nhà của mình ở gần nhà máy Fukushima Daiichi được không, khi bức xạ từ 3 lò phản ứng tại đây đã ngấm vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước. “Tôi không còn tin tưởng chính quyền về bất kỳ điều gì liên quan đến sức khỏe”, Masaaki Watanabe (42 tuổi), một người dân ở thị trấn Minami Soma khẳng định. Watanabe đã rời bỏ làng Minami Soma và đến nay chưa có ý định trở về bởi phóng xạ trong đất vẫn ở mức cao.

Trong số những người đi sơ tán, hơn 1/2 được đưa ra khỏi khu vực gần nhà máy Fukushima Daiichi. Ngày 11-3, khoảng 800 người ở tỉnh Fukushima đã đệ đơn yêu cầu bồi thường 50.000 yen/tháng/nạn nhân (625 USD) vì những mất mát và thiệt hại mà họ phải gánh chịu, cho đến khi bụi phóng xạ được dọn sạch. Ngoài các trường hợp đòi bồi thường ở Fukushima, còn có 900 trường hợp tương tự tại Tokyo và những nơi khác.

Ở vùng Đông Bắc này, hàng chục nghìn người sống sót vẫn sống trong những ngôi nhà tạm nhưng các quan chức Nhật Bản nói rằng, tiến trình phục hồi có thể kéo dài đến 10 năm.

Nắm quyền vào cuối tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Abe thường xuyên đến thăm khu vực thảm họa. Ông cũng cam kết hành động nhanh hơn và có kế hoạch gia tăng ngân sách phục vụ công tác tái thiết dài hạn từ 19.000 tỷ yen (200 tỷ USD) lên 25.000 tỷ yen (262 tỷ USD). “Tái thiết là cuộc chiến với thời gian”, ông Abe tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 11-3. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh sẽ thúc đẩy việc tái thiết để mọi người cảm thấy các chính sách của Chính phủ đang dần được thực thi hiệu quả.

Tuy nhiên, nỗ lực của ông Abe dường như không được đền đáp. Chủ tịch Ủy ban Xây dựng tỉnh Fukushima cho rằng, mặc dù ngân sách đã tăng nhưng những hy vọng phục hồi có lẽ được đặt sai chỗ bởi không có bất kỳ sự thay đổi lớn nào đối với chính quyền địa phương khi phản ứng với thảm họa hạt nhân.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.