.

Bế tắc chính trị ở Ý cận kề cuộc khủng hoảng châu Âu

.

(ĐNĐT) - Kết quả bầu cử mới nhất tại Ý, cho thấy người dân đã rất bất mãn với chính sách tái thiết tài chính của chính phủ. Sự rối loạn chính trị sắp xảy ra ở Ý đe dọa kích thích một cuộc khủng hoảng khác ở châu Âu.

Tòa nhà Quốc hội Ý.
Tòa nhà Quốc hội Ý.

Trong cuộc tổng tuyển cử mà chính quyền của Thủ tướng Mario Monti tìm kiếm một sự ủy nhiệm công chúng cho các chính sách cải cách của chính phủ, chủ trương chống thắt lưng buộc bụng của liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã giành được nhiều ghế hơn so với dự kiến.

Liên minh trung tả ủng hộ việc cải cách chiếm đa số ít ỏi tại Hạ viện. Tuy nhiên, tại Thượng viện, không có nhóm chính trị nào giành được đa số phiếu rõ rệt.

Sau cuộc bầu cử, đồng euro giảm mạnh trên thị trường ngoại hối ở Nhật và Mỹ. Giá cổ phiếu sụt giảm trên thị trường toàn cầu. Những động thái này cho thấy một sự cảnh giác về viễn cảnh rằng nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể rút lui khỏi tái thiết tài chính.

Chính quyền đã được thành lập bởi nhà kinh tế Monti vào mùa thu năm 2011 và bao gồm các nhà kỹ trị đã cố gắng cắt giảm thâm hụt ngân sách thông qua tăng thuế và cải cách lương hưu. Đồng thời cũng tiến hành các cải cách cấu trúc, bao gồm việc sửa đổi cơ sở pháp lý để tạo ra một thị trường lao động linh hoạt.

Chính sách cải cách của ông Monti đã nhận được phản ứng tích cực từ các thị trường, nhưng không tiến triển vì không được tán thành bởi các đảng trung hữu.

Khối trung hữu đã có thể gia tăng sự hỗ trợ của cử tri bằng cách đề xuất các biện pháp dân túy chống thắt lưng buộc bụng như xem xét lại việc tăng thuế. Điều này đã nhận được sự ủng hộ từ các cử tri chỉ trích sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp do suy giảm hoạt động kinh doanh.

Một đảng mới khiến các đảng hiện tại phải giải quyết vấn đề tham nhũng chính trị, đã trở thành đảng lớn thứ ba. Điều này phản ánh sự mất lòng tin sâu xa của nhân dân vào chính trị.

Tâm điểm trong những ngày sắp tới là việc khối trung tả sẽ có những động thái như thế nào để hình thành một chính phủ liên minh. Triển vọng của một liên minh lớn với khối trung hữu là không chắc chắn vì những khác biệt lớn về chính sách.

Tình trạng bế tắc chính trị có thể bị phá vỡ bằng cách tổ chức một cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, bất ổn chính trị của Ý dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong một thời gian.

Cuộc khủng hoảng tài chính của châu Âu bắt đầu từ Hy Lạp đã cho thấy dấu hiệu giảm đi sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ và các biện pháp ứng cứu khác.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế vẫn còn rất chậm chạp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu và đã rơi vào tình trạng tăng trưởng âm trong khi triển vọng tương lai vẫn còn bấp bênh.

Bất ổn tài chính đang âm ỉ ở Tây Ban Nha và đã dấy lên sự nghi ngờ về các khoản đóng góp bất hợp pháp của đảng cầm quyền. Một cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức ​​tháng 9 tại Đức, trong đó, việc Thủ tướng Angela Merkel xử lý vấn đề khủng hoảng châu Âu sẽ gây ra sự bất đồng.

Các cải cách của Ý phải tránh việc dậm chân tại chỗ để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới mà không chỉ riêng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Vĩnh Thụy (Yomiuri Shimbun)

;
.
.
.
.
.