.

Các nước kêu gọi kiềm chế leo thang trên bán đảo Triều Tiên

.

(ĐNĐT) - Các cường quốc thế giới đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế leo thang căng thẳng trong khu vực, sau khi Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc.

Cả Mỹ và Hàn Quốc đều nằm trong tầm ngắm của những lời đe dọa của Triều Tiên, tuy nhiên, hai nước cũng bày tỏ sự hoài nghi về lời đe dọa đó.

Nữ phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Caitlin Hayden, cho biết: “Chúng tôi xem lời đe dọa của Triều Tiên là nghiêm trọng và duy trì liên lạc sát sao với đồng minh Hàn Quốc. Triều Tiên có lịch sử lâu dài về luận điệu hiếu chiến và những lời đe dọa”.

Phía Hàn Quốc cho rằng, những lời đe dọa mới của Triều Tiên thì không mới và chỉ nối gót các cảnh báo sử dụng vũ lực trước đó của Bình Nhưỡng nhằm đáp trả cuộc tập trận chung thường niên của Hàn Quốc và Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Hiện Moscow đã kêu gọi Seoul và Washington có các hành động đáp trả thận trọng, đồng thời khen ngợi hai nước hành động tránh bất kỳ khủng hoảng nào.

Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng rằng các bên liên quan trong cuộc xung đột hiện nay tiếp tục hành động có trách nhiệm và “không bên nào vượt qua lằn ranh vốn sẽ trở thành một điểm mà không thể nào quay lại được”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (ngồi), trong một cuộc họp khẩn cấp về triển khai lực lượng tên lửa chiến lược tại Bộ Tư lệnh Tối cao ở thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 29-3-2013. Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (ngồi) trong một cuộc họp khẩn cấp về triển khai lực lượng tên lửa chiến lược tại Bộ Tư lệnh Tối cao ở thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 29-3-2013. Ảnh: KCNA

Anh và Pháp cũng đã kêu gọi Bình Nhưỡng hãy ngừng luận điệu chống láng giềng.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi nói rõ với Triều Tiên rằng lợi ích lâu dài của họ sẽ chỉ được đáp ứng bằng sự cam kết mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế. Những tuyên bố mang tính đe dọa hiện nay sẽ chỉ làm cho Triều Tiên thêm bị cô lập mà thôi”.

Về phía Pháp, nước này thúc giục Triều Tiên không đưa thêm các hành động khiêu khích, tuân thủ các ràng buộc quốc tế, kể cả các ràng buộc với Liên Hiệp Quốc và khởi động việc thương lượng càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, Đức cũng đã cảnh báo việc leo thang trong khu vực, cho rằng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình và an ninh toàn cầu. Australia cũng tuyên bố đang xem xét áp đặt lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn còn nằm trong tình trạng chiến tranh. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, hai nước chỉ mới ký hiệp định ngừng bắn và chưa hề có một hiệp định hòa bình nào. Trong suốt 60 năm qua, Bình Nhưỡng đã có một số lần đơn phương rút khỏi hiệp định ngừng bắn.

Theo hãng tin Yonhap, ngày 31-3, một nhóm các công ty tại Kaesong, một khu công nghiệp liên doanh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên nằm trên đất Triều Tiên, đã kêu gọi ngừng các tranh cãi về chính trị tại khu công nghiệp.

Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong cho rằng, bản chất tranh chấp chính trị là “lãng phí” và ảnh hưởng tới sự phát triển của khu công nghiệp và mối quan hệ liên Triều.

Quang Hiển (theo RT)

;
.
.
.
.
.