.

Công du Trung Đông để lắng nghe

.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2 của ông Barack Obama được cho là để lắng nghe chứ không có sáng kiến hòa bình mới nào với khu vực Trung Đông.

Tổng thống Barack Obama lên máy bay đến Israel.                                                                  Ảnh: Reuters
Tổng thống Barack Obama lên máy bay đến Israel. Ảnh: Reuters

Ngày 20-3, Tổng thống Obama đến Tel Aviv và Jerusalem trong lúc quan hệ giữa ông với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không nồng ấm do bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Giới quan sát dự đoán trong 3 ngày ở Trung Đông, nội dung nghị sự của ông Obama tập trung vào vấn đề Iran, cuộc xung đột Syria và tiến trình hòa bình Israel - Palestine. Đồng thời, ông Obama cũng mong muốn cài đặt lại quan hệ với cả Israel lẫn Palestine.

Tuy nhiên, Reuters cho rằng, người đứng đầu Nhà Trắng đến Israel mà không có sáng kiến hòa bình mới cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Hơn nữa, ông còn đối mặt với những hoài nghi sâu sắc của Israel về cam kết của Mỹ trong việc ngăn chặn Iran sở hữu hạt nhân. Ngoài việc gặp gỡ Tổng thống Israel Shimon Peres và Thủ tướng Netanyahu để tái khẳng định quan điểm của Nhà Trắng về vấn đề Iran, ông Obama sẽ hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Bờ Tây. Song, các nhà chức trách Washington không hy vọng có sự đột phá nào trong các cuộc gặp, cũng không lạc quan về việc tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình ở khu vực này.

Thực tế, cả ông Obama lẫn ông Netanyahu đều vừa bắt đầu nhiệm kỳ mới và hai nhà lãnh đạo đều hiểu rằng, họ sẽ phải làm việc cùng nhau mặc dù vẫn còn lắm sự khác biệt. Tuy nhiên, Gidi Grinstein - Chủ tịch Viện Reut có trụ sở tại Tel Aviv - cho rằng đối với chương trình hạt nhân Iran, Israel và Mỹ không có điều gì mới để bàn thảo với nhau; về cuộc xung đột ở Syria, Mỹ không có quan điểm rõ ràng…

Phát biểu với Đài truyền hình Israel, Tổng thống Obama khẳng định mục đích của chuyến công cán là lắng nghe - nghe chiến lược của Israel, Palestine cũng như quan điểm của các nhà lãnh đạo Peres, Netanyahu và Abbas. Ông Abbas còn mong muốn Tổng thống Obama sẽ làm trung gian giúp phóng thích hơn 1.000 tù nhân Palestine khỏi các nhà tù của Israel và muốn Washington ngừng phong tỏa 700 triệu USD viện trợ cho vùng lãnh thổ này.

Trong khi đó, Mỹ và Israel thống nhất không bao giờ để Iran sở hữu bom hạt nhân, đồng thời bác biện hộ của Tehran rằng, chương trình nguyên tử của nước này mang mục đích hòa bình. Song, Washington và Tel Aviv bất đồng khi một bên muốn giải pháp ngoại giao, còn một bên muốn can thiệp quân sự. Tổng thống Obama muốn có thêm thời gian để thúc đẩy ngoại giao và trừng phạt Iran trước, hơn là chăm chăm dùng vũ lực. Các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Obama sẽ thúc giục sự kiên nhẫn hơn nữa với Iran. Bởi lẽ, Mỹ lo ngại việc Israel đơn phương tấn công Tehran sẽ đẩy Washington vào một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông. Theo CNN, đây là nguyên nhân dẫn đến quan hệ Obama - Netanyahu trở nên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” và chính vị Thủ tướng Israel đã ủng hộ ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái.

Tờ Jerusalem Post cho hay, 36% số người dân Israel được hỏi nhận thấy ông Obama ủng hộ Palestine hơn ủng hộ Israel, trong khi 26% cho ý kiến ngược lại. Theo một khảo sát do Viện Dân chủ Israel độc lập, 51% số người Do Thái cho rằng ông Obama có thái độ trung lập đối với Israel. Còn theo khảo sát của CNN, nếu Israel tấn công Iran, 49% số người Mỹ cho rằng cường quốc này nên ủng hộ Tel Aviv, 49% nói rằng Washington không nên liên quan.  

Sau Israel và Palestine, ông Oabama sẽ dừng chân ở Jordan trong 24 giờ và gặp gỡ Quốc vương Abdullah II.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.