.
HÀN GẮN ISRAEL - PALESTINE

Sứ mệnh không dễ với Mỹ

.

Không mang kế hoạch mới đến Trung Đông để thúc đẩy đối thoại hòa bình, nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi cả Israel lẫn Palestine ngừng hành động đơn phương.

Tổng thống Barack Obama (trái) gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.  					   	  Ảnh: Reurers
Tổng thống Barack Obama (trái) gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reurers

Ngày 21-3, ngày thứ hai của chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận hòa bình trong lúc các chiến binh Palestine ở Gaza phóng tên lửa vào miền Nam Israel.

Vụ tấn công bằng tên lửa xảy ra chỉ vài giờ trước khi ông Obama đến thành phố Ramallah ở Bờ Tây để gặp gỡ Tổng thống Mahmoud Abbas. Theo Reuters, chưa có nhóm nào của Palestine nhận trách nhiệm về vụ việc này. Cảnh sát cũng chưa xác định các trường hợp thương vong nhưng thông tin ban đầu cho biết, có những thiệt hại ở thành phố Sderot, cách Jerusalem 80km, gần biên giới Gaza. Ông Obama từng đến Sderot khi là ứng viên Tổng thống vào năm 2008. Do thành phố này quá gần biên giới nên Israel không thể triển khai hệ thống tên lửa tại đây.

Báo New York Times dẫn lời ông Salah al-Bardawil, một quan chức Hamas tại Gaza, nói rằng tổ chức này không biết về bất kỳ vụ tấn công bằng tên lửa nào và đang kiểm tra các thông tin của Israel. Ông Bardawil kêu gọi Tel Aviv dỡ bỏ những hạn chế ở Gaza và thực hiện cam kết ngừng bắn. Song, ông Bardawil nói thêm, vào tháng 11 năm ngoái, chính Tổng thống Obama “bật đèn xanh để phá hủy Gaza”. Vị đại diện Hamas chỉ trích người đứng đầu Nhà Trắng “nói bằng ngôn ngữ của Israel” về vấn đề an ninh của Nhà nước Do Thái này chứ không nói về quyền được sống của người Palestine.

Trong chuyến công du Israel, Bờ Tây và Jordan, Tổng thống Obama không đến Gaza, nơi vốn do Hamas tiếp quản. Các nhà quan sát nhận định: nguyên nhân xung đột chính của Israel và Palestine là việc xây dựng các khu tái định cư Do Thái và việc ông Abbas nỗ lực để Palestine được công nhận là Nhà nước độc lập. Thủ tướng Netanyahu kêu gọi nối lại đàm phán hòa bình với ông Abbas vô điều kiện, nhưng cảnh báo rằng, bất kỳ hòa giải nào giữa ông Abbas với Hamas sẽ cản trở tiến trình hàn gắn quan hệ giữa lãnh thổ này với Tel Aviv. Trong khi đó, điều kiện mà Tổng thống Abbas đặt ra là Israel phải dỡ bỏ các khu tái định cư vốn được xây dựng trên lãnh thổ của Palestine.

Hãng AP dẫn lời các nhà chức trách Palestine cho biết, thông điệp mà Tổng thống Abbas gửi đến người đồng cấp Mỹ trong cuộc gặp ngày 21-3 là nhà lãnh đạo Palestine không thể trở lại bàn đàm phán để phân định ranh giới giữa Israel với Nhà nước tương lai của ông khi Tel Aviv vẫn đơn phương mở rộng các khu tái định cư. Hơn nữa, người Palestine cũng hoài nghi nỗ lực của Tổng thống Mỹ trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Cụ thể, trong cuộc họp báo giữa ông Obama với Thủ tướng Netanyahu vào tối 20-3, ông chủ Nhà Trắng không đề cập vấn đề tái định cư Do Thái khi được hỏi về tiến trình giải quyết xung đột giữa Israel với Palestine trong nhiệm kỳ đầu. Từ năm 1967, Israel đã xây dựng hàng chục khu tái định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Nơi đây trở thành nhà của 560.000 người Do Thái, con số tăng đáng kể so với 60.000 người lúc ông Obama mới nhậm chức Tổng thống.

Người Palestine hiểu rõ vấn đề tái định cư là trở ngại lớn trong việc giảm thiểu xung đột, tiến tới ngừng bắn. Ông Daniel Seidemann, luật sư người Israel, cho rằng trong một năm nữa, nếu khuynh hướng này tiếp diễn, giải pháp 2 Nhà nước là điều không thể.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.