(ĐNĐT) - Tuyên bố trên được đưa ra sau một loạt các cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với đại diện các cơ quan của Ai cập và cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ với Tổng thống Mohamed Morsy.
Ngoài khoản viện trợ trong nỗ lực giúp người dân Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ còn cam kết sẽ viện trợ thêm nếu Tổng thống Ai Cập thực hiện các chính sách cải tổ chính trị và kinh tế.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsy tại DinhTổng thống ở thủ đô Cairo, Ai Cập vào ngày thứ 2 (4-3). |
Dựa trên nhu cầu cấp thiết của Ai Cập và sự đảm bảo của Tổng thống Morsy là sẽ làm từng bước để nhận khoản vay từ Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngoại trưởng Mỹ cho biết ban đầu Mỹ sẽ viện trợ khoảng 190 triệu đôla trong gói viện trợ 450 triệu đôla đã cam kết dành cho Ai Cập. Ngoài ra, còn có khoản viện trợ trực tiếp trị giá 60 triệu đôla dành cho Quĩ Doanh Nghiệp Mỹ - Ai Cập nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Ai Cập và khuyến khích sinh viên, đặc biệt là phụ nữ, lấy bằng cao học trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và kinh tế.
Cùng với khoản 190 triệu đôla cam kết vào hôm Chủ nhật thì 260 triệu đôla trong gói hỗ trợ ngân sách đang được Mỹ xem xét và thêm 550 triệu đôla dành cho học bổng và đảm bảo tiền vay. Việc giải ngân các khoản này sẽ dựa vào kết quả cải cách kinh tế và chính trị của chính phủ ông Morsy.
Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, Mỹ với tư cách là đồng minh lâu năm của Ai Cập vẫn đang băn khoăn về những vấn đề như bầu cử công bằng, nhân quyền, cảnh sát, không cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến việc xây dựng nền dân chủ tại nước này. “Chính phủ và nhân dân Ai Cập cần phải nỗ lực hơn nữa để khôi phục lại sự hòa hợp, ổn định chính trị và phục hồi nền kinh tế.”
Tổng thống Morsy đã đồng ý và cam kết sẽ thực hiện các bước cần thiết để khôi phục nền kinh tế và chính trị, ổn định đất nước.
Đất nước Ai Cập với ngành công nghiệp chủ đạo là du lịch đã rơi vào tình trạng mất phương hướng khi cuộc cách mạng nổ ra vào tháng 1 năm 2011. IMF đã hỗ trợ 4,8 tỷ đôla để cứu vớt nền kinh tế nước này với điều kiện Ai Cập cải cách nền kinh tế, cắt giảm bao cấp năng lượng, tăng thuế và giảm lạm phát. Mặc dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc không muốn Ai Cập quá phụ thuộc vào vốn vay, các nhà kinh tế lại ủng hộ việc sử dụng vốn vay càng sớm càng tốt.
Tú Linh (Theo CNN)