(ĐNĐT) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ông sẽ tìm cách tham gia các cuộc đàm phán thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu. Hiệp định thương mại sẽ được ký vào cuối năm nay, có thể bao trùm đến 40% nền kinh tế thế giới.
Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố Tokyo muốn tham gia vào các cuộc đàm phán Hiệp định về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). |
Hôm 15-3, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Tokyo muốn tham gia vào các cuộc đàm phán Hiệp định về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể phát triển thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới và thách thức khối Liên minh châu Âu.
“Các nước mới nổi ở châu Á đang chuyển sang một nền kinh tế mở khác. Nếu Nhật Bản vẫn đơn độc duy trì một nền kinh tế hướng nội thì có thể sẽ không có cơ hội cho sự tăng trưởng”, ông Abe nói trong cuộc họp báo.
“Những gì TPP hướng tới là làm cho Thái Bình Dương trở thành một khu vực, nơi mà hàng hóa, dịch vụ và đầu tư được tự do trao đổi”.
Quyết định tham gia các cuộc đàm phán là chính sách mới nhất mà ông Abe đưa ra kể từ khi Đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 12/2012.
Hiệp định này cũng sẽ buộc Nhật Bản mở cửa các ngành công nghiệp được bảo hộ lâu nay, bao gồm cả nông nghiệp. Quyết định tham gia TPP làm gia tăng các cuộc biểu tình từ nông dân phản đối mở cửa thị trường cạnh tranh nước ngoài. Các cử tri nông thôn là những người ủng hộ truyền thống của LDP của ông Abe, trong khi nhiều người khác ở Nhật Bản xem hiệp ước như là một bước cải cách mới cần thiết để phục hồi nền kinh tế đang trì trệ hiện nay.
Thủ tướng Abe, người hiện đang nắm giữ khoảng 70% tỷ lệ ủng hộ, nhấn mạnh tiềm năng kinh tế của Hiệp định, “Một khối kinh tế lớn sẽ chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới sắp bắt đầu”.
Nhật Bản sẽ cần sự chấp thuận từ 11 thành viên đàm phán khác trước khi có thể chính thức tham gia các cuộc đàm phán. Các thành viên đàm phán bao gồm: Mỹ, Canada, Mexico, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Singapore.
Các thành viên dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, một thỏa thuận có thể đạt được ngay sau Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương tại Bali vào tháng 10 tới.
Lê Na (Reuters, AFP)