(ĐNĐT) - Hội nghị thượng đỉnh BRICS của các nền kinh tế mới nổi đã đồng ý hình thành một ngân hàng phát triển để đối trọng với các định chế tài chính do phương Tây hậu thuẫn.
Nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc nhóm BRICS. |
Đây được xem là một trong những bước tiến quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 của khối BRICS, diễn ra tại Durban, Nam Phi. Sau khi làm việc gần một năm về dự án Ngân hàng phát triển BRICS, các Bộ trưởng tài chính từ Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi công bố hôm 27-3 rằng họ sẽ tham gia “đàm phán chính thức” để thiết lập cấu trúc của nó.
“Chúng tôi hài lòng về việc đồng ý thành lập một Ngân hàng phát triển mới có tính khả thi”, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cho biết.
Nhóm BRICS hy vọng chính thức khởi động quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 50 tỷ USD để cạnh tranh với các định chế tài chính phương Tây như tổ chức Ngân hàng Thế giới.
Hiện chưa rõ mỗi quốc gia sẽ đóng góp bao nhiêu tiền vào ngân hàng, ông Zuma chỉ nói BRICS đã nhất trí “phần vốn góp ban đầu nên đáng kể và đủ cho ngân hàng hoạt động có hiệu quả”.
Các quốc gia BRICS cho biết họ cũng sẽ thăm dò chọn lựa việc hình thành quỹ dự trữ an toàn 100 tỷ USD để giảm bớt các cuộc khủng hoảng thanh khoản tiềm tàng.
Bên cạnh đó, một số thỏa thuận song phương cũng đã được ký kết, bao gồm cả việc Trung Quốc và Brazil đạt được thỏa thuận về một tỷ lệ phần trăm trong giá trị trao đổi thương mại giữa họ thanh toán bằng đồng nội tệ chứ không phải là đồng đô la Mỹ.
Các nền kinh tế BRICS chiếm 25% sản lượng toàn cầu và 40% dân số thế giới. Hội nghị thượng đỉnh BRICS là hoạt động thường niên của 5 nền kinh tế mới nổi, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, bắt đầu từ năm 2009. Kể từ hội nghị này, Nam Phi sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên trong vòng 12 tháng, trước khi chuyển giao cho Brazil.
Lê Na (Reuters, dpa)