(ĐNĐT) - Sáng 29-3, hàng triệu mét khối đất đá sạt lở đã chôn vùi 83 thợ mỏ tại quận Maizhongkunggar, nằm ở phía đông Lasha, Khu Tự trị Tây Tạng (Trung Quốc).
Giới chức Trung Quốc cho biết vụ sạt lở xảy ra lúc 6 giờ 00 sáng thứ Sáu giờ địa phương (22 giờ GMT).
Theo Tân Hoa Xã, 83 thợ mỏ đã bị chôn vùi khi một khối lượng đất đá khổng lồ ập xuống khu trại của họ.
Hiện trường vụ xảy ra tai nạn sạt lở đất tại Tây Tạng, Trung Quốc, ngày 30-3-2013. Ảnh: AFP |
Tại một cuộc họp báo sáng thứ Bảy (30-3), giới chức Trung Quốc cho biết các toán tìm kiếm cùng với chó nghiệp vụ và radar đã đào bới suốt đêm qua. Tuy nhiên, tới 10 giờ sáng giờ địa phương, vẫn chưa tìm thấy người nào sống sót hoặc thi thể nào.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phát đi hình ảnh hàng chục máy xúc đã chuyển đất đá ở khu vực xảy ra tai nạn, nằm ở độ cao 4.600 mét so với mực nước biển.
Trang tin Tencent cho biết, môi trường khắc nghiệt và oxy loãng đã gây khó khăn cho việc tìm kiếm nạn nhân.
Theo đó, đã có 15 chó nghiệp vụ, 15 nhóm tìm kiếm với khoảng 1.000 cảnh sát sử dụng radar quan trắc cùng với 200 xe ủi, xe nâng hạng nặng tham gia tìm kiếm.
Các nạn nhân làm việc cho công ty Tibet Huatailong Mining Development Co. Ltd, một nhà thầu phụ của Tập đoàn Vàng Quốc gia Trung Quốc (CNGG). Đa số nạn nhân là lao động đến từ Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên.
Cũng trong ngày 29-3, ít nhất 28 thợ mỏ đã thiệt mạng trong vụ nổ khí tại một mỏ than ở phía đông bắc Trung Quốc. Đây là vụ việc mới nhất tiếp tục báo động về tình trạng thiếu an toàn của ngành công nghiệp khai thác mỏ của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, 13 người khác đã được cứu sống sau khi vụ nổ xảy ra vào khoảng 22h30 hôm 29-3 tại một mỏ than quốc doanh thuộc thành phố Bạch Sơn, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Hiện các hoạt động cứu hộ tại mỏ than Bibao đã chấm dứt.
Các hầm mỏ tại Trung Quốc là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới, các vụ tai nạn thường xuyên xảy ra được cho xuất phát từ nguyên nhân tham nhũng, quản lý lỏng lẻo và kém hiệu quả. Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, nhiên liệu hóa thạch chiếm 70% nhu cầu năng lượng.