Các nhà đàm phán của khoảng 150 nước nhóm họp ở New York (Mỹ) vào ngày 18-3 để thúc đẩy hiệp ước quốc tế kết thúc việc mua bán vũ khí thông thường không được kiểm soát.
Súng chống máy bay được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Trung Quốc ở ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Các nhà vận động kiểm soát vũ khí và nhân quyền cho rằng, việc mỗi phút trên thế giới có một người chết là hệ quả của tình trạng bạo lực do vũ khí. Vì vậy, cần có hiệp ước để ngăn chặn dòng chảy không kiểm soát của vũ khí, đạn dược.
Tháng 12-2012, Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thống nhất tiến hành đàm phán từ ngày 18-3 đến 28-3-2013 về một hiệp ước đầu tiên của toàn cầu nhằm điều phối thị trường giao dịch trị giá 70 tỷ USD với tất cả các loại vũ khí thông thường, từ tàu hải quân, xe tăng, máy bay tấn công đến súng ngắn, súng trường. Hội nghị vào tháng 7 năm ngoái bế tắc vì Mỹ, Nga và Trung Quốc đều muốn có thêm thời gian để bàn bạc về vấn đề này. Washington khẳng định cần một hiệp ước mạnh mẽ hơn.
Kể từ sau vụ thảm sát trường học ở bang Connecticut vào tháng 12 năm ngoái, Chính phủ và các nghị sĩ Mỹ ủng hộ việc thúc đẩy hiệp ước vũ khí toàn cầu. Song, Tổng thống Barack Obama chịu áp lực của Hiệp hội súng quốc gia (NRA), do một nhóm ủng hộ việc dùng súng dẫn đầu, muốn phong tỏa hiệp ước này. Nhóm này tuyên bố sẽ “tẩy chay” hiệp ước khi đưa ra Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng ủng hộ hiệp ước. Theo ông, Washington cần giữ vững cam kết của mình, giúp giải quyết các tác động tiêu cực của việc buôn bán vũ khí quốc tế, hướng đến hòa bình và ổn định toàn cầu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Mỹ - nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới - sẽ không chấp nhận hiệp ước áp đặt hạn chế đối với quyền mang vũ khí của công dân nước này và đây cũng là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi tại nền kinh tế số 1 thế giới. Hãng Reuters cho biết, NRA cảnh báo hiệp ước sẽ hủy hoại quyền công dân của Mỹ trong việc sở hữu súng. Vì vậy, các nhà ngoại giao LHQ nhận định đàm phán lần này sẽ không dễ dàng.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Trung Quốc đã vượt qua Anh để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới. Đây là vị trí cao nhất của Bắc Kinh về xuất khẩu vũ khí kể từ Chiến tranh lạnh với hầu hết vũ khí được xuất sang Pakistan.
Theo SIPRI, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc từ năm 2008-2012 tăng 162% so với 5 năm trước đó. Mỹ và Nga vẫn dẫn đầu top 5 xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, lần lượt chiếm 30% và 26% thị phần. Đứng vị trí thứ 3 và 4 là Đức và Pháp. Anh từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6.
Reuters dẫn thông báo của SIPRI cho hay, 55% số vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc được đưa sang Pakistan, nhất là khi quốc gia Nam Á này có kế hoạch đặt hàng máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tàu khu trục nhỏ. Ngoài ra, Myanmar, Bangladesh, Algeria, Venezuela và Marốc là những nhà nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc. Song, Bắc Kinh không công bố con số chính thức về số vũ khí được bán ra.
THIÊN BÌNH