Nhà lãnh đạo Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên thúc giục quân đội phải đặt trong tình trạng báo động cao nhất cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra. Trong khi đó, Hàn Quốc cảnh báo Bình Nhưỡng không thể đơn phương hủy bỏ hiệp định đình chiến.
Binh sĩ Hàn Quốc trong cuộc tập trận gần làng Panmunjom ở Paju ngày 11-3. Ảnh: AP |
Phát biểu của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un về khả năng chiến tranh càng làm dấy lên quan ngại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ không dừng lại. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un nói với binh sĩ đóng ở biên giới rằng, chiến tranh có thể bùng nổ ngay lúc này.
Chuyến thăm của ông Kim Jong-un đến đơn vị pháo binh ở biên giới gần đảo Baengnyeong vào ngày 11-3 và tuyên bố ngừng hiệp định đình chiến với Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 là một phần trong những phản ứng tức giận của Bình Nhưỡng sau khi bị LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt do vụ thử hạt nhân ngày 12-2 vừa qua. Ông Kim Jong-un nhấn mạnh đảo Baengnyeong sẽ là một trong những mục tiêu bị “xóa sổ” nếu xung đột xảy ra. Đảo này nằm gần biên giới lãnh hải giữa hai miền và là nơi xảy ra vụ đắm tàu chiến Cheonan vào năm 2010, khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng. Đe dọa lần này của CHDCND Triều Tiên đối với đảo Baengnyeong được xem là nghiêm trọng ở mức chưa từng có. Tuần trước, ông Kim Jong-un cũng có tuyên bố tương tự với quân đội ở gần đảo Yeonpyeong - nơi CHDCND Triều Tiên nã pháo làm chết 4 người Hàn Quốc vào tháng 11-2011.
Trong những tuần gần đây, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang xuất phát từ những tuyên bố mạnh mẽ của Bình Nhưỡng khi cộng đồng quốc tế chỉ trích nước này về vụ thử hạt nhân. Căng thẳng càng được đẩy lên cao vào ngày 11-3, thời điểm cuộc tập trận chung mang tên “Giải pháp then chốt” của Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu.
Theo AP, hiện vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra, đồng thời tuyên bố của CHDCND Triều Tiên có đi đôi với hành động hay không. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 12-3 cho rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẽ tấn công hoặc sớm tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân hay thử tên lửa. Bộ này còn nhận định Bình Nhưỡng chẳng qua chỉ gây áp lực tâm lý đối với nước láng giềng miền Nam mà thôi. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng khẳng định, hiệp định đình chiến vẫn có hiệu lực, bất chấp đe dọa từ phía Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young yêu cầu quốc gia phía Bắc rút lại những lời đe dọa đến sự ổn định và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực. “Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác với Mỹ và Trung Quốc, nghiêm khắc đối phó với bất kỳ nỗ lực nào từ phía CHDCND Triều Tiên trong việc hủy bỏ hiệp định đình chiến”, ông Cho Tai-young nói.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Chính phủ của Tổng thống Barack Obama chỉ trích “ngôn ngữ hiếu chiến” của CHDCND Triều Tiên, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng không thể đơn phương hủy bỏ hiệp định đình chiến 60 năm tuổi giữa hai miền Triều Tiên do Đại hội đồng LHQ thông qua. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon, Washington sẽ bảo vệ các đồng minh của mình.
Giới quan sát cho rằng, dù phản ứng tức giận nhưng cả CHDCND Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều không thể không trao đổi thông tin khi hai miền đều có những lợi ích từ khu công nghiệp Kaesong. Nhà phân tích Hong Hyun-ik tại Viện Sejong ở Hàn Quốc lý giải, nếu người Hàn Quốc không đến Kaesong làm việc, CHDCND Triều Tiên sẽ chịu những tổn thất về tài chính. Còn nếu CHDCND Triều Tiên thật sự có ý định bắt đầu chiến tranh với Hàn Quốc, họ có thể bắt giữ người Hàn tại Kaesong làm con tin.
Thực tế, CHDCND Triều Tiên muốn một hiệp ước hòa bình chính thức để kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, thay cho hiệp định đình chiến vốn để lại tình trạng chiến tranh kỹ thuật giữa hai miền. Bình Nhưỡng còn muốn an ninh bảo đảm và các nhượng bộ khác, đồng thời muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ, muốn được công nhận là quốc gia có vũ khí hạt nhân và di chuyển 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc... Tuy nhiên, điều kiện để Mỹ ngồi vào bàn đàm phán là Bình Nhưỡng trước hết phải có “những bước đi ý nghĩa” trong việc đáp ứng yêu cầu của quốc tế.
PHÚC NGUYÊN