.

Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc

.

(ĐNĐT) - Ngày 30-3, Triều Tiên tuyên bố nước này chuyển vào “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc và các vấn đề xuyên biên giới sẽ được đối xử phù hợp theo tình trạng thời chiến.

Người dân và binh sĩ Triều Tiên mittinh ủng hộ lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt các đơn vị tên lửa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu chống Mỹ và Hàn Quốc hôm 29-3-2013 tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA
Người dân và binh sĩ Triều Tiên mittinh ủng hộ lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt các đơn vị tên lửa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu chống Mỹ và Hàn Quốc hôm 29-3-2013 tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Hãng tin KCNA phát đi tuyên bố chung giữa chính phủ và quốc hội Triều Tiên rằng: “Hiện giờ, quan hệ liên Triều đã bước vào tình trạng chiến tranh và mọi vấn đề giữa hai miền sẽ được đối xử theo nghi thức thời chiến”.

“Tình trạng không hòa bình và cũng không chiến tranh lâu nay trên bán đảo Triều Tiên đã kết thúc”, KCNA tuyên bố.

Vào đầu tháng này, Triều Tiên thông báo đã hủy bỏ hiệp ước đình chiến và các hiệp ước hòa bình song phương khác đã ký với Seoul để phản đối cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Việc hủy bỏ lệnh ngừng bắn về lý thuyết đã dẫn tới tình trạng tái diễn của sự thù địch, tuy rằng, đây không phải lần đầu Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hiệp ước đình chiến.

Hiệp ước này đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua, và cả Mỹ và Hàn Quốc đều nói Triều Tiên đơn phương rút khỏi hiệp ước.

Tuyên bố ngày hôm nay còn cảnh báo rằng, bất kỳ sự khiêu khích quân sự nào gần khu vực biên giới trên đất liền hay trên biển cũng đều dẫn tới “một cuộc xung đột toàn diện và một cuộc chiến tranh hạt nhân”.

Mới hôm 28-3, nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên đã lệnh cho các đơn vị tên lửa chiến lược sẵn sàng khai hỏa để tấn công các căn cứ quân sự trên đất liền Mỹ, Hawii và Guam cũng như tại Hàn Quốc.

Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên còn đang trong tình trạng chiến tranh. Kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, hai nước chỉ mới có hiệp ước ngừng bắn mà không có một hiệp ước hòa bình.

Quang Hiển (theo CNA, Yonhap)

;
.
.
.
.
.