(ĐNĐT) - Lãnh đạo mới của Trung Quốc đang lập kế hoạch cải tổ chế độ hộ khẩu, cho phép người dân nông thôn nhập cư vào các đô thành của nước này. Đây được coi là một cuộc cải tổ mang tính quan trọng trong quá trình đô thị hóa cùng với tăng trưởng kinh tế.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc hôm 5-3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng, cải tổ hộ khẩu nên được tăng tốc để đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và đây sẽ là cơ sở của việc phát triển kinh tế.
Hiện Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC), cơ quan hoạch định chính sách kinh tế cao nhất của Trung Quốc, đang phối hợp với chính quyền các cấp để chuẩn bị kế hoạch này và sẽ được công bố trong nửa đầu năm 2013, Zhang Ping, ngươi đứng đầu NDRC cho biết.
Ông Zhang cho rằng, đô thị hóa đem lại những tiềm năng lớn nhất để Trung Quốc mở rộng nhu cầu nội địa, vốn có tầm quan trọng sống còn đối với việc phát triển bền vững của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Tiềm năng này, cùng với các cơ hội khác, sẽ đem lại những cải cách mới, sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững và khỏe mạnh của nền kinh tế Trung Quốc”, ông Zhang phát biểu.
Người đứng đầu Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc - Zhang Ping - tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 Trung Quốc, ngày 6-3-2013 tại Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: THX |
Hệ thống hộ khẩu Trung Quốc ra đời vào năm 1958, đã phân chia 1,3 tỷ dân Trung Quốc thành những tuyến thành thị - nông thôn và ngăn cản gần 800 triệu dân nông thôn nhập cư vào các thành phố, khiến họ không được hưởng các chế độ, chính sách cơ bản dành cho dân thành thị.
Trung Quốc có kế hoạch chi tiêu 40.000 tỷ NDT (6.400 tỷ USD) để đưa 400 triệu dân đến các thành phố trong thập niên tới khi tân lãnh đạo Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường tìm cách đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc giàu có của thế giới mà sự tăng trưởng kinh tế được tạo ra từ người tiêu dùng.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng, tiêu dùng là chìa khóa mở ra tiềm năng to lớn của nhu cầu nội địa trong nền kinh tế và sẽ giảm thiểu sự thừa mứa, kém hiệu quả và bất bình đẳng. Tiêu dùng cũng giúp đem lại tăng trưởng 7,5% vào năm 2013. Năm 2012, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 7,8%, thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.
Cải cách hộ khẩu cũng có thể giải phóng các nguồn quỹ của khoảng 200 triệu dân nông thôn làm việc tại các thành phố như những người nhập cư và họ chi tiêu phần lớn thu nhập cho dịch vụ y tế, giáo dục cho con cái, trong khi người thành thị lại không phải chi trả cho các loại chi phí này.
Theo các nhà phân tích, nếu việc chuyển dịch dân số thành công, Trung Quốc sẽ có nền kinh tế tăng trưởng liên tục. Nếu không thành công, nó sẽ dẫn tới sự bất ổn xã hội và chính trị.
Quang Hiển (Theo Reuters, THX)