.

Trung Quốc - Nga: Ông nói gà, bà nói vịt

.

Báo Độc lập của Nga đưa tin, sự kiện Nga bán cho Trung Quốc tàu ngầm lớp Lada, máy bay SU-35 đang trở thành tâm điểm gây tranh cãi, đặc biệt là vấn đề có chuyển nhượng công nghệ và sản xuất ở lãnh thổ Trung Quốc hay không.

Ngày 25-3, một chuyên gia của hệ thống hợp tác kỹ thuật quân sự đối ngoại của Nga cho biết, trong thời gian chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga, hai nước không ký kết hiệp định Nga bán cho Trung Quốc vũ khí hiện đại và trang bị kỹ thuật quân sự.

Theo bản tin của hãng thông tấn Nga ngày 25-3, chuyên gia của Nga đã phát biểu câu này khi bình luận về bản tin của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.

Trong khi đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin, trước khi ông Tập Cận Bình sang thăm nga, hai bên đã ký kết các hiệp định có liên quan, Nga sẽ bán cho Trung Quốc 24 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 và cùng Trung Quốc hơp tác chế tạo tàu ngầm AIP lớp Lada.

Máy bay chiến đấu Su - 35 của Nga. Ảnh: Prencise 3D Modeling.
Máy bay chiến đấu Su - 35 của Nga. Ảnh: Prencise 3D Modeling.

Tiếp diễn theo sự kiện này, ngày 26-3, tờ Độc lập của Nga cho biết, các cuộc đàm phán về hợp đồng bán cho Trung Quốc máy bay chiến đấu đã được tiến hành từ lâu, và kết quả là, tháng 1-2013, Trung Quốc và Nga đã ký kết hiệp định hợp tác chính phủ bán cho Trung Quốc máy bay chiến đấu Su-35. Sau đó hai bên đã cùng thương thảo để soạn thảo hợp đồng. Tháng 2-2013, ông Vyacheslav Dzirkaln - Phó giám đốc Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự Nga đã thông báo với báo chí thông tin này. Và lúc đó ông Vyacheslav Dzirkaln còn nhấn mạnh rằng, không phải là hợp đồng hợp tác sản xuất, mà là hợp đồng cung cấp sản phẩm, hay nói các khác là Trung Quốc sẽ mua máy bay đã được chế tạo hoàn chỉnh. Sau năm 2015, Nga bắt đầu giao máy bay cho Trung Quốc.

Theo Độc lập, sự kiện Nga bán máy bay chiến đấu và tàu ngầm tiên tiến cho Trung Quốc đang biến thành tâm điểm gây tranh cãi. Xét về tổng thể, điểm gây tranh cãi quan trọng nhất là có chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc và sản xuất trực tiếp ở các nhà máy quốc phòng trên đất Trung Quốc hay không. Nếu không thể sản xuất trực tiếp ở các nhà máy quốc phòng trên đất Trung Quốc thì Bắc Kinh thường từ chối mua các sản phẩm công nghệ cao.

Bản tin cũng nói rằng, Trung Quốc luôn cố gắng mua các sản phẩm quân sự đã được chế tạo hoàn chỉnh của Nga. Điều Trung Quốc có hứng thú nhất là nhập khẩu và nắm bắt công nghệ mới nhất của Nga. Chính vì lẽ đó, Trung Quốc đã giảm số lượng máy bay Su-35 xuống còn một nửa, từ 48 chiếc xuống 24 chiếc. Tháng 11-2012, hai bên đã đi đến thống nhất về số lượng máy bay Trung Quốc sẽ mua.

Theo hãng thông tấn Nga, nếu thành công thì hợp đồng bán máy bay chiến đấu Su-35 sẽ trở thành hợp đồng xuất khẩu đầu tiên loại máy bay chiến đấu này. Nga kỳ vọng sau khi bán cho Trung Quốc, loại máy bay này sẽ dễ tiếp thị ra thị trường nước ngoài. Hợp đồng bán 6 ngầm lớp Lada cũng có ý nghĩa quan trọng như vậy.

Phía Nga cho biết Trung Quốc có lập trường rất cứng rắn trong quá trình đàm phán về số lượng máy bay Su-35 mà nước này nhập khẩu. Đầu tiên phía Nga mong muốn bán không dưới 70-75 chiếc, nhưng Trung Quốc chỉ đề nghị mua 10-12 chiếc. Một năm trước phía Nga lại rút xuống 48 chiếc, đồng thời tuyên bố đây là con số cuối cùng. Tuy nhiên kết quả cuối cùng lại giảm đi còn một nửa.

Theo Tiền phong

;
.
.
.
.
.