.

Trung Quốc - Nga thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện

.

(ĐNĐT) - Ngày 22-3, nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai bên đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh những ưu tiên hợp tác song phương trong tương lai và việc làm sâu sắc thêm đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Tuyên bố nêu rõ, mối quan hệ Trung Quốc - Nga đã đạt đến một mức độ cao chưa từng có, không chỉ điển hình cho sự chung sống hài hòa giữa các nước lớn mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu.

Nhiệm vụ chiến lược hiện nay là chuyển hóa các lợi thế ở mức cao chưa từng có của quan hệ chính trị thành các kết quả hợp tác cụ thể về kinh tế, quan hệ nhân dân và các lĩnh vực khác.

Theo đó, hai bên đã phê chuẩn hướng dẫn thực hiện Hiệp ước Trung-Nga về láng giềng tốt và hợp tác thân thiện giai đoạn 2013-2016, và đặt ra các ưu tiên hợp tác trong tương lai để nâng cao toàn diện sức mạnh quốc gia của cả hai nước và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi văn kiện hợp tác trong lễ ký kết tại Điện Kremlin, thủ đô Moscow hôm 22-3
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi văn kiện hợp tác trong lễ ký kết tại Điện Kremlin, thủ đô Moscow hôm 22-3.

Ưu tiên hàng đầu là đạt được sự phát triển cân bằng của hợp tác kinh tế về chiều rộng lẫn chiều sâu, hình thành một cấu trúc thương mại đa dạng hơn.

Với kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục 88 tỷ USD trong năm 2012, hai nước đã cam kết tiếp tục nâng cao kim ngạch trao đổi lên 100 tỷ USD năm 2015 và 200 tỷ đô la vào năm 2020.

Trung Quốc và Nga cũng sẽ xây dựng một mối quan hệ vững chắc hợp tác chiến lược về năng lượng bằng cách hợp tác tích cực trong các lĩnh vực dầu, khí tự nhiên, than đá, điện, năng lượng mới và hợp tác chặt chẽ trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân hòa bình.

Ngoài ra, hai bên còn nhất trí đẩy mạnh hợp tác lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, công nghệ tiên tiến, sản xuất hàng không, vận chuyển qua biên giới và giao lưu thanh niên.

Trên mặt trận quốc tế, Trung Quốc và Nga nhấn mạnh mô hình mới của quan hệ quyền lực lớn và kêu gọi những nỗ lực phối hợp để thúc đẩy hòa bình và ổn định, theo đuổi sự phát triển và thịnh vượng chung và xây dựng một trật tự thế giới, dân chủ và hài hòa.
Nga và Trung Quốc có lập trường tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng nhất như tình hình Trung Đông, Bắc Phi, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Iran... Bên cạnh đó, trong khuôn khổ LHQ, Nhóm các nền kinh tế phát triên và mới nổi (G-20), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và một số tổ chức quốc tế đa phương khác, Moscow và Bắc Kinh thường giữ lập trường chung.

Nga và Trung Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo một sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng của nền kinh tế thế giới.

Với cả hai là thành viên của nhóm BRICS, hai nước cam kết sẽ giúp nâng cao hợp tác BRICS lên một mức mới tại hội nghị thượng đỉnh ở thành phố cảng Durban Nam Phi vào ngày 26 và 27-3

Về tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nga cho rằng nhiệm vụ chính của khu vực là xây dựng một khuôn khổ an ninh và hợp tác có sự cởi mở, minh bạch, bình đẳng và mang tính toàn diện. Khuyến khích các nước liên quan trong khu vực giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán song phương.

Vĩnh Thụy (THX, RIA)
 

;
.
.
.
.
.