(ĐNĐT) - Tòa thánh Vatican đã bác bỏ tuyên bố rằng Đức Giáo hoàng Francis I đã không lên tiếng chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền trong thời kỳ chế độ độc tài quân sự cai trị Argentina.
Phát ngôn viên của Vatican cho biết: “Chưa bao giờ có một lời buộc tội cụ thể, đáng tin cậy” chống lại Giáo hoàng Francis I. Ảnh: EPA |
Tổng Giám mục Jorge Mario Bergoglio, Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ La Tinh, đã bị phái cánh tả chỉ trích vì đã không bảo vệ người dân trong thời kỳ chiến tranh tại Argentina, khiến 30.000 người đã chết hoặc mất tích từ 1976 đến 1983.
Đồng thời, cáo buộc vai trò của ông Bergoglio, với tư cách là Giám mục cấp tỉnh, đã không chống lại việc bắt giữ hai Linh mục dòng Tên trẻ tuổi, Orlando Yorio và Francisco Jalics, những người đã công khai phản đối chế độ độc tài tại Argentina, sau đó họ đã bị đưa tới một trung tâm tra tấn bởi chính quyền quân sự.
Phát biểu hôm 15-3, phát ngôn viên của Vatican Federico Lombardi cho biết: “Chưa bao giờ có một lời buộc tội cụ thể, đáng tin cậy nào chống lại ông. Hệ thống tư pháp Argentina... đã chưa bao giờ buộc tội ông ấy với bất cứ điều gì”.
Ông Lombardi cho biết chiến dịch chống lại Bergoglio được “nhiều người biết đến” nhưng tuyên bố đó là sự phỉ báng và nhằm làm mất uy tín của Giáo Hội. “Những lời buộc tội đến từ các phần tử cánh tả chống giáo sĩ và được dùng để tấn công Giáo Hội” và nhấn mạnh rằng Bergoglio “đã làm rất nhiều để bảo vệ nhân dân trong chế độ độc tài” khi ông ấy chưa phải là một vị Giám mục.
Hôm 15-3, Giáo hoàng Francis I đã kêu gọi Giáo Hội Công Giáo mà ông đã thừa hưởng không chống chọi với “bi quan” và tìm cách thức mới để truyền bá đức tin.
Trong một tài liệu tham khảo cho thấy số tín đồ ở nhiều nơi trên thế giới giảm, Giáo hoàng đã kêu gọi các vị Hồng y “can đảm, kiên trì và tìm cách thức mới để mang sự cảm hóa đến tận cùng trái đất”.
Francis I đã ca ngợi sự từ chức lịch sử của người tiền nhiệm Benedict XVI là một “hành động can đảm và khiêm nhường”.
Hôm 14-3, Giáo hoàng Francis I đã đưa ra cảnh báo rằng Giáo Hội, đang bị tàn phá bởi các vụ bê bối và đấu đá nội bộ ở Vatican, có nguy cơ trở thành một tổ chức từ thiện nếu đánh mất sứ mệnh thật sự của mình.
Vĩnh Thụy (Aljazeera, EPA)