.

ASEAN hàn gắn quan hệ với Trung Quốc

.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra ở Brunei ngày 24-4 tập trung hàn gắn quan hệ giữa một số thành viên thuộc khối này với Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah (trái) gặp gỡ Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong chuyến thăm Manila ngày 16-4-2013.                 Ảnh: Reuters
Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah (trái) gặp gỡ Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong chuyến thăm Manila ngày 16-4-2013. Ảnh: Reuters

Hãng AFP cho biết, nước chủ nhà Brunei đang đứng trước áp lực sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào tháng 7 năm ngoái không ra được thông cáo chung. Sự việc lúc đó được cho là thất bại đầu tiên của ASEAN trong các kỳ họp suốt 45 năm qua.

Hội nghị lần này mang chủ đề “Người dân của chúng ta, tương lai của chúng ta”, diễn ra trong lúc một số nước ASEAN với Trung Quốc rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhất là sau hàng loạt diễn biến trên Biển Đông thời gian qua.

Một số quan chức cấp cao ASEAN nhấn mạnh, trong 2 ngày ở Brunei, các nhà lãnh đạo phải nỗ lực để tìm hướng đi chung đối với vấn đề Biển Đông. Hãng AFP dẫn dự thảo tuyên bố cho hay, ASEAN tái khẳng định cam kết bảo đảm giải pháp hòa bình đối với tranh chấp mà không cần đến đe dọa hoặc dùng vũ lực, thông qua các biện pháp tham vấn thân thiện, phù hợp với những nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận. Dự thảo kêu gọi các nước ASEAN sớm hướng đến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa khối này với Trung Quốc. Song, dự thảo không đề cập thời điểm thống nhất COC - văn bản vốn được đề xuất vào năm 2002 nhưng kéo dài đến hơn 10 năm vẫn chưa đạt được sự thống nhất.

Brunei cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia này khi giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2013 là thúc đẩy hoàn thiện COC vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều này không dễ bởi ASEAN muốn đối thoại đa phương trên cơ sở hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, còn Trung Quốc vẫn muốn đàm phán song phương, trực tiếp với các nước liên quan.

Philippines là một trong những nước chỉ trích Trung Quốc gay gắt. Ngày 22-1 vừa qua, Manila nộp đơn kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế nhằm buộc cường quốc châu Á ngừng xâm phạm khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, cũng như vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn.

Theo Hãng tin Philippine Daily Inquirer, quyết định của Philippines được Nghị viện châu Âu (EP) ủng hộ. Ngày 14-3, EP thông qua một nghị quyết phê chuẩn một báo cáo vốn bao gồm sự ủng hộ của họ cho sáng kiến nhờ trọng tài phân xử của Philippines. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario mô tả đây là “cột mốc” trong chiến dịch của Manila vận động sự ủng hộ quốc tế cho việc đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ra tòa án quốc tế.

Trong khi đó, Lào và Campuchia xem Bắc Kinh là đồng minh tin cậy trong ASEAN.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cho biết, một trong những vấn đề then chốt của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 là thúc đẩy hợp tác kinh tế hơn nữa giữa các thành viên trong khối và với các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, tháng 5 tới, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ đối thoại với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand về thỏa thuận thương mại tự do.

Với chủ đề “Người dân của chúng ta, tương lai của chúng ta”, hội nghị ASEAN lần này tập trung vào vai trò của người dân khối gồm 10 thành viên trong việc thực hiện tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.