.

Đài Loan xuất hiện ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên

.

(ĐNĐT) - Đã xảy ra trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên ngoài biên giới Trung Quốc khi chiều nay (24-4) Đài Loan đã báo cáo trường hợp đầu tiên.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan đo thân nhiệt hành khách tại cửa khẩu sân bay Shunshan, Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: AFP
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan đo thân nhiệt hành khách tại cửa khẩu sân bay Shunshan, Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: AFP

Một người đàn ông 53 tuổi, từng làm việc ở thành phố Tô Châu (Trung Quốc), đã có biểu hiện cúm 3 ngày sau khi trở về Đài Loan qua ngã Thượng Hải, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan cho biết. Người này nhập viện kể từ hôm 16-4 và đang trong tình trạng nguy kịch.

Bộ trưởng Y tế Đài Loan, Chiu Wen-ta cho biết: “Đây là ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên được xác nhận tại Đài Loan, người bị nhiễm từ nước ngoài về”.

Bệnh nhân cho biết, ông ấy không tiếp xúc hoặc ăn thịt và trứng gia cầm chưa nấu chín trong khi ở Tô Châu.

Trung tâm trên đã cảnh báo người dân nên tránh tiếp xúc và cho gia cầm ăn, tránh viếng thăm các chợ gia cầm truyền thống với gia cầm sống khi tới các vùng có dịch H7N9 tại Trung Quốc .

Chính quyền Đài Loan còn cho biết, họ đang giám sát 139 người từng tiếp xúc với bệnh nhân, kể cả 110 nhân viên tại 3 bệnh viện.

Đầu tháng này, Đài Loan đã thiêu hủy hơn 100 gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc lục địa bị lực lượng tuần duyên bắt giữ tại một cảng ở phía bắc Đài Loan.

Đến nay, Trung Quốc xác nhận đã có 108 ca nhiễm cúm A/H7N9 và 22 người chết kể từ khi các ca lây nhiễm được công bố hôm 31-3, trong đó, tỷ lệ ca lây nhiễm ở người già cao hơn.

*H7N9 là loại virus "sát thủ nhất"

Ngày 24-4, các chuyên gia quốc tế điều tra về chủng virus H7N9 cho biết, đây là “một trong những chủng virus sát thủ nhất ” từng thấy từ trước tới nay và họ kết luận rằng, có vẻ như nguồn lây nhiễm là từ gia cầm. 

Trong một cuộc họp báo, Keiji Fukuda, một trong các chuyên gia về bệnh cúm hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới, dẫn đầu nhóm điều tra H7N9 kéo dài 1 tuần tại Trung Quốc, cho biết: “Loại virus này chắc chắn là một trong những virus chết chóc nhất mà chúng tôi từng gặp cho tới nay”.

Ông Fukuda cho rằng, H7N9 dễ truyền nhiễm hơn chủng virus cúm H5N1. “Chúng tôi nghĩ rằng, virus này dễ lan truyền sang người hơn là H5N1”.

Quang Hiển (theo CNA)

;
.
.
.
.
.