Người dân nước Anh và những người yêu mến cựu Thủ tướng Margaret Thatcher bày tỏ sự tiếc thương đối với người được cho là vị cứu tinh của nền kinh tế xứ sở sương mù sau khi bà qua đời vào ngày 8-4, thọ 87 tuổi.
Di sản mà Margaret Thatcher để lại là học thuyết “Chủ nghĩa Thatcher” với việc thúc đẩy tư nhân hóa, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước, mở rộng thị trường tự do...
Bà Margaret Thatcher là nữ Thủ tướng duy nhất của Anh. Ảnh: Getty Images |
“Người Anh vĩ đại”
Hãng Reuters cho biết, tang lễ của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher sẽ được tổ chức vào ngày 17-4 tại Nhà thờ Thánh Paul. Ngày 9-4, nhiều người dân Anh đặt hoa hồng, hoa tulip và hoa lili trước nhà bà tại Belgravia, thủ đô London. Nhiều tờ báo của Anh dành vị trí trang trọng nhất để nói về bà Thatcher. Trang nhất báo Daily Mail gọi bà Margaret Thatcher là “người phụ nữ cứu nước Anh”, trong khi tờ Times đăng tải hình ảnh bà vẫy tay với đám đông trong một chuyến thăm Mátxcơva (Nga).
Thủ tướng David Cameron ngay khi nhận được thông tin bà Thatcher qua đời đã bày tỏ đau buồn và nói rằng, cựu Thủ tướng 87 tuổi là “người Anh vĩ đại”. “Sự thật là Margaret Thatcher không chỉ lãnh đạo đất nước chúng tôi, mà chính bà đã cứu quốc gia này. Bà nằm xuống trong tâm thế của một Thủ tướng Anh vĩ đại nhất ở thời bình”, ông Cameron nói.
Những người kế nhiệm bà ở nhà số 10 phố Downing, gồm ông John Major, ông Tony Blair, ông Gordon Brown đều đánh giá cao sự đóng góp của bà Margaret Thatcher đối với nước Anh. Cựu Thủ tướng Tony Blair (nắm quyền từ năm 1997-2007) cho rằng không có nhiều nhà lãnh đạo vừa thay đổi được bối cảnh chính trị của nước mình, vừa thay đổi thế giới, nhưng Margaret Thatcher là nhà lãnh đạo như thế. Ông nhấn mạnh: “Ảnh hưởng toàn cầu của bà rất lớn”. Thực tế, di sản của bà Thatcher ảnh hưởng sâu sắc đến các chính sách của những người kế nhiệm thuộc cả Đảng Bảo thủ lẫn Công đảng.
Theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, bà Thatcher là nhà lãnh đạo tiên phong trong việc đóng góp vào hòa bình và an ninh, nhất là ở đỉnh điểm thời Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Barack Obama nói rằng, Mỹ đã mất đi “người bạn thật sự”, đồng thời khẳng định “bà đầm thép” của Anh là người chiến thắng vĩ đại của tự do, là phụ nữ điển hình trên thế giới. Trong khi đó, tại Ba Lan, Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski cho biết, Warsaw sẽ dựng một bức tượng của nữ Thủ tướng Anh này.
Chủ nghĩa Thatcher
Bà Margaret Thatcher có quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Bà cùng các nhà lãnh đạo này chia sẻ quan điểm về thị trường tự do và tự do cá nhân, cùng với việc thúc đẩy ảnh hưởng của London đối với Washington. Bà đã lãnh đạo Đảng Bảo thủ giành thắng lợi cả ba cuộc bầu cử và để nắm quyền ở Anh từ năm 1979-1990.
Báo The Christian Science Monitor cho rằng, đất nước mà Margaret Thatcher để lại khi rời cương vị Thủ tướng vào năm 1990 khác hẳn so với hình ảnh một xứ sở sương mù lúc Đảng Bảo thủ giành thắng lợi năm 1979. Năm 1980, lạm phát ở Anh rất cao, lên đến 22% và số người thất nghiệp là 2 triệu người. Trên cơ sở thuyết của Milton Friedman và nhiều nhà tiền tệ học khác mà Thatcher vốn ngưỡng mộ, nữ Thủ tướng mở đầu chính sách kinh tế của mình bằng cách nâng lãi suất, kìm hãm mức gia tăng nguồn cung ứng tiền tệ để giảm lạm phát, đồng thời tăng thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập cao nhất, khuyến khích tư nhân hóa… Lạm phát từ 22% trong năm 1980 giảm còn 4,2% trong năm 1987, minh chứng các giải pháp mà bà đưa ra phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, việc “mạnh tay” cải cách kinh tế dẫn đến một số hệ quả như tỷ lệ thất nghiệp lên đến hơn 3 triệu người - con số cao chưa từng có ở Anh - do nhiều công ty sa thải nhân công. Cùng với những chính sách khác và cả những quan điểm chính trị trên trường quốc tế, bà Thatcher cũng tạo ra không ít tranh cãi kéo dài đến nay, trong đó có những ý kiến chỉ trích bà tạo ra sự chia rẽ giữa những người giàu có ở phía Nam và những người nghèo ở phía Bắc,
Song, ngày nay Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Thatcher là người thực tế, cứng rắn và kiên định. Theo ông, chính những phẩm chất này đã giúp bà điều hành tốt, đưa nước Anh ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Những năm 1980, tờ báo quân sự Liên Xô gọi Margaret Thatcher là “bà đầm thép”. Từ đó, tên gọi này trở thành biệt danh của nữ Thủ tướng duy nhất của Anh.
THIÊN BÌNH