Tổng cộng 9 người ở Trung Quốc được xác định nhiễm cúm gia cầm H7N9, trong đó có 3 người chết.
Các chuyên gia Trung Quốc xét nghiệm virus H7N9 tại Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Bộ Y tế Trung Quốc ngày 4-4 cam kết minh bạch thông tin về cúm gia cầm H7N9 với thế giới và với người dân trong nước, sau những phản ánh rằng các nhà chức trách nước này công bố thông tin quá chậm. Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục giữ liên lạc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các nước và khu vực liên quan để thúc đẩy việc giám sát, ngăn chặn sự lây lan của cúm H7N9.
Trước đó, Tân Hoa xã đăng bài viết khẳng định đại dịch SARS trước đây đã dạy cho Chính phủ Bắc Kinh bài học về sự minh bạch thông tin khi đối phó với dịch bệnh. Những người sử dụng Internet và một số phương tiện truyền thông ở Trung Quốc cũng đặt câu hỏi rằng, vì sao Chính phủ lại công bố các trường hợp nhiễm virus cúm H7N9 quá chậm, nhất là thông tin về hai trong số các bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh vào tháng 2 vừa qua. Giới chức lý giải rằng, họ cần thời gian để xác định chính xác loại virus.
Tháng 11-2002, đại dịch SARS bùng phát ở tỉnh Quảng Đông nhưng đến tháng 2-2003, Bắc Kinh mới thông báo cho WHO. Lúc đó, dịch SARS đã lan ra nhiều nước. Chính phủ Trung Quốc bị chỉ trích và phải công khai xin lỗi về sự chậm trễ này.
Theo CNN, lần này Trung Quốc đang nỗ lực tìm nguồn gốc gây bệnh. Đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu virus H7N9 lây từ người sang người nhưng tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân đều được giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, họ vẫn không có biểu hiện mắc bệnh. Bắc Kinh cũng bác bỏ việc virus liên quan đến 16.000 heo chết trôi trên sông Hoàng Phố ở Thượng Hải.
Trường hợp mới nhất tử vong do virus H7N9 là một người đàn ông 38 tuổi. Người này làm việc ở tỉnh lân cận Giang Tô, nơi có ít nhất 4 trường hợp nhiễm virus H7N9 khác được công bố ngày 2-4. Hai người đầu tiên chết tại Thượng Hải. 5 bệnh nhân hiện trong tình trạng nguy kịch.
Trong khi đó, Hong Kong kêu gọi giám sát chặt chẽ các trang trại nuôi gà địa phương, đồng thời ngừng nhập gia cầm sống từ Trung Quốc đại lục. Các biện pháp phòng ngừa cũng được áp dụng tại sân bay với mức báo động sơ bộ, yêu cầu tất cả hành khách trên các chuyến bay đi và đến đặc khu này thông báo với tiếp viên nếu họ cảm thấy không khỏe.
Tại Nhật Bản, các sân bay trưng bày các áp-phích cảnh báo hành khách đến từ Trung Quốc phải được kiểm tra sức khỏe nếu có biểu hiện sốt, ho...
THIÊN BÌNH