.

Liên Hiệp Quốc thông qua hiệp ước kiểm soát vũ khí

.

(ĐNĐT) - Ngày 2-4, với 154 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 23 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua bản hiệp ước đầu tiên về việc buôn bán vũ khí trên toàn cầu, một động thái nhằm điều tiết ngành kinh doanh trị giá khoảng 80 tỷ USD này.

Theo đó, hiệp ước đầu tiên này sẽ kiểm soát việc buôn bán các loại vũ khí, bao gồm xe tăng, xe bọc thép, các hệ thống pháo nòng lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa, các dàn phóng cũng như các vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ.

Các thành viên Đại Hội đồng LHQ vỗ tay chúc mừng bản hiệp ước đã được thông qua với tỉ lệ phiếu thuận cao, ngày 2-4-2013. Ảnh: AFP
Các thành viên Đại Hội đồng LHQ vỗ tay chúc mừng bản hiệp ước đã được thông qua với tỷ lệ phiếu thuận cao, ngày 2-4-2013. Ảnh: AFP

Hiệp ước sẽ buộc các quốc gia phải thiết lập việc kiểm soát trong nước về xuất khẩu. Các nước cũng phải đánh giá liệu một vũ khí có thể được dùng cho việc thảm sát hay không, chúng có được bọn tội phạm chiến tranh, những kẻ khủng bố hoặc các tổ chức tội phạm sử dụng hay không trước khi bán ra.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon đã hoan nghênh việc bỏ phiếu thông qua hiệp ước và ông cho rằng, hiệp ước sẽ “làm cho những vũ khí giết chóc khó rơi vào thị trường đen hơn và sẽ ngăn ngừa những kẻ hiếu chiến, cướp biển, những kẻ khủng bố, bọn tội phạm và đồng đảng thủ đắc vũ khí chết chóc”.

Tuần trước, Iran, Syria và Triều Tiên đã ngăn cản sự đồng thuận trong việc thông qua dự thảo tại hội nghị ở Cơ quan Liên Hiệp Quốc và bản dự thảo đã được chuyển đến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để được thông qua. 3 nước trên cũng đã bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu ngày 2-4.

Bản hiệp ước sẽ được lấy chữ ký vào ngày 3-6 và có hiệu lực sau 90 ngày sau khi chữ ký thứ 50 được xác nhận lên đó. Đại sứ Mexico tại Liên Hiệp Quốc, Luis Alfonso de Alba cho rằng, thông thường phải mất từ 2 đến 3 năm để một hiệp ước có hiệu lực nhưng ông hy vọng hiệp ước này sẽ sớm có hiệu lực hơn.

Các nước sản xuất vũ khí lớn như Trung Quốc, Nga và Cuba, Bolivia, Nicaragua và một số nước khác bỏ phiếu trắng. Trong khi đó, Mỹ, nhà sản xuất vũ khí số 1, đã bỏ phiếu ủng hộ cho dù gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia, một nhóm chuyên vận động hành lang ủng hộ việc sử dụng súng cá nhân.

Quang Hiển (theo Reuters, CNA)

;
.
.
.
.
.