* 168 nghị sĩ Nhật đến đền Yasukuni
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết sẽ dùng vũ lực để trục xuất bất kỳ công dân Trung Quốc nào đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Các nghị sĩ đến đền Yasukuni. Ảnh: AP |
Tuyên bố của Thủ tướng Abe được đưa ra vào ngày 23-4, khi Bộ Ngoại giao Nhật Bản triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối việc 8 tàu hải giám nước này xâm nhập lãnh hải Nhật Bản - khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, các tàu hải giám của Trung Quốc đi vào vùng biển cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 12 hải lý khoảng 8 giờ ngày 23-4. Đây là đội tàu lớn nhất có mặt ở vùng biển gần đảo tranh chấp kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa 3/5 đảo hồi tháng 9 năm ngoái. Song, theo Reuters, Tokyo dường như muốn tránh xung đột với đội tàu của Bắc Kinh, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản yêu cầu các tàu này ngay lập tức rời khỏi khu vực tranh chấp.
Phát biểu trước Quốc hội, ông Abe khẳng định Tokyo sẽ có “hành động kiên quyết để chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm tiến vào lãnh hải tranh chấp”. Giới quan sát nhận định đây là tuyên bố rõ ràng nhất của Thủ tướng Abe đối với Trung Quốc trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư kể từ khi ông nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái.
Hãng AFP dẫn lời Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, việc các tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải Nhật Bản là điều “không thể chấp nhận được”. Ông Suga nhấn mạnh phía Nhật Bản đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với Trung Quốc cả ở Bắc Kinh lẫn Tokyo.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối việc 10 tàu chở khoảng 80 nhà hoạt động Nhật Bản thuộc nhóm Ganbare Nippon hiện diện gần quần đảo tranh chấp, dù chỉ với mục đích khảo sát các ngư trường xung quanh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, hành động này là bất hợp pháp.
Căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á diễn ra trong lúc 168 nghị sĩ của xứ sở hoa anh đào đổ dồn đến thăm đền Yasukuni - ngôi đền được xem là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ. Cuối tuần qua, 3 bộ trưởng cũng đến ngôi đền này và Thủ tướng Abe còn tặng thiết bị được dùng trong nghi lễ cho đền. Tokyo nói rằng, các chuyến thăm đền đều không mang tính chính thức, nhưng cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều phản ứng tức giận. Nhưng chính Bộ trưởng phụ trách Ủy ban An toàn công cộng quốc gia Keiji Furuya nói rằng, ông đến đền Yasukuni vào cuối tuần qua để cầu nguyện với tư cách là thành viên nội các. Nghị sĩ Hidehisa Otsuji, người đứng đầu nhóm những nhà lập pháp đến đền Yasukuni bảo vệ quan điểm đây chỉ là chuyến thăm bình thường nhằm cầu nguyện cho những người đã chết vì đất nước. Song, theo những người chỉ trích, việc các chính trị gia đến đền Yasukuni là bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo Nhật Bản không thừa nhận trách nhiệm trong quá khứ.
Tại Seoul, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young bày tỏ “quan ngại sâu sắc và lấy làm tiếc”. Ông Cho Tai-young cho hay, Hàn Quốc một lần thúc giục Nhật Bản ngay lập tức ngừng “các hành động phớt lờ lịch sử”.
Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đây là “các động thái tiêu cực” và gửi công hàm ngoại giao phản đối. Theo bà Hoa Xuân Oánh, việc Nhật Bản ứng xử như thế nào với đền Yasukuni là phép thử về sự tôn trọng của Tokyo đối với các quốc gia mà nước này từng tấn công trong quá khứ.
Hãng Reuters dẫn lời một số chuyên gia Nhật Bản cho rằng, dù sao hai nước láng giềng ở châu Á có thể muốn tránh việc lặp lại các cuộc biểu tình chống Nhật Bản và Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, làm tổn thương đến quan hệ kinh tế của cả hai. Yoshihide Soeya, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á tại Trường ĐH Keio ở Tokyo, cho biết Trung Quốc từng phản ứng mạnh mẽ khi hàng loạt nhà lãnh đạo Nhật Bản đến Yasukuni (trong đó có Thủ tướng, Ngoại trưởng và các Bộ trưởng).
PHÚC NGUYÊN