.
Thế giới tuần qua

Bán đảo Triều Tiên nóng từng ngày

.

Hàn Quốc gọi tuyên bố của CHDCND Triều Tiên rằng quan hệ hai miền đang ở “tình trạng chiến tranh” và mọi vấn đề giữa hai nước “sẽ được xử lý theo các quy định thời chiến” là “thách thức công khai”. Bán đảo Triều Tiên trong tuần qua lại nóng lên với những lo ngại.

Quân đội CHDCND Triều Tiên diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành ủng hộ lời kêu gọi sẵn sàng chiến tranh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 29-3. 					                  Ảnh: AP
Quân đội CHDCND Triều Tiên diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành ủng hộ lời kêu gọi sẵn sàng chiến tranh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 29-3. Ảnh: AP

Chưa rõ đây có đúng là “thách thức công khai” như lời của Hàn Quốc hay không, hay cụm từ “tình trạng chiến tranh” có thể được dịch sai - như thông tin được RIA Novosti của Nga đăng tải, nhưng Mỹ cho rằng diễn biến này chỉ là đe dọa như mọi khi. Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, tuyên bố của Bình Nhưỡng “không có tính xây dựng”. Song, Washington khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc để xem xét một cách nghiêm túc lời đe dọa này.

Trong khi đó, AP dẫn lời các nhà phân tích nhận định: Cuộc xung đột trên quy mô toàn diện là điều khó xảy ra và bán đảo Triều Tiên vẫn duy trì tình trạng chiến tranh kỹ thuật trong 60 năm. Nhưng thực tế, CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục đe dọa cả Hàn Quốc lẫn Mỹ, trong đó cam kết tiến hành cuộc tấn công hạt nhân. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng, bất kỳ hành động sai lầm nào cũng có thể dẫn đến xung đột. Đe dọa của CHDCND Triều Tiên được xem là nỗ lực nhằm khiêu khích Chính phủ mới ở Hàn Quốc do Tổng thống Park Geun-hye lãnh đạo, để thay đổi các chính sách của Seoul đối với nước láng giềng phía Bắc và giành thắng lợi trong các cuộc đàm phán ngoại giao với Mỹ. Động thái của CHDCND Triều Tiên cũng được xem là giải pháp để xây dựng sự đoàn kết trong nước khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un củng cố sức mạnh quân sự của mình.

Điều đáng chú ý hơn nữa là chỉ vài giờ sau tuyên bố trên, CHDCND Triều Tiên còn dọa đóng cửa khu phức hợp công nghiệp Kaesong, vốn là biểu tượng hợp tác liên Triều. Bộ Thống nhất Hàn Quốc đáp trả bằng cách mô tả đe dọa này không giúp ích gì cho quan hệ giữa hai nước. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok chỉ trích rằng, hàng loạt đe dọa của Bình Nhưỡng là “không chấp nhận được và gây nguy hại đến hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Vấn đề được dư luận thế giới quan tâm nhất là liệu có thể xảy ra chiến tranh hay không, như cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953? Trên đường phố Seoul, người dân Hàn Quốc vẫn nghĩ rằng sẽ không có chiến tranh và cũng không có một cuộc tấn công hạt nhân nào từ Triều Tiên. Nghĩ như vậy là lạc quan, trái với tình hình nóng lên từng ngày ở khu vực Đông Bắc Á, nhưng cũng không phải không có cơ sở. Bởi lẽ, Bình Nhưỡng hay Seoul muốn chủ động khơi mào chiến tranh thì cũng thận trọng, bởi cuộc chiến khi bắt đầu sẽ kéo nhiều nước khác vào cuộc, trong đó có Mỹ. Theo người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Đức Gerhard Schindler, đe dọa của CHDCND Triều Tiên “không mới mẻ”. “Tóm lại chúng tôi khẳng định CHDCND Triều Tiên không muốn chiến tranh”, ông Schindler nói.

Narushige Michishita, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu quốc tế và an ninh tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, không tin CHDCND Triều Tiên có thể tấn công Guam, Hawaii hay lục địa Mỹ. Ông Michishita nói rằng, Bình Nhưỡng không thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhưng cũng theo ông, các tên lửa tầm trung của nước này, với tầm bắn khoảng 1.300km có thể tiến đến những căn cứ của Mỹ ở Nhật.  

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.