.
Thế giới tuần qua

Đối thoại hòa bình

.

Đó là cam kết của Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề CHDCND Triều Tiên khi Ngoại trưởng John Kerry mang mối lo ngại xung quanh những đe dọa của Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh, gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.                                                                                         Ảnh: THX
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: THX

“Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình”, ông John Kerry nói trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng. Ông nhấn mạnh, nếu CHDCND Triều Tiên từ bỏ khả năng hạt nhân của mình, Mỹ sẽ không có lý do để duy trì hệ thống phòng thủ tên lửa, như hệ thống được triển khai ở đảo Guam. Thông điệp rõ ràng của Mỹ là Washington sẵn sàng nối lại đàm phán 6 bên về hạt nhân vốn ngưng trệ từ năm 2009 nếu CHDCND Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân. Nhưng ông Kerry nhấn mạnh quan điểm không thay đổi của Mỹ về việc không bao giờ chấp nhận CHDCND Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.

Với chuyến công cán của ông Kerry đến Trung Quốc, vấn đề CHDCND Triều Tiên được cho là phép thử quan hệ Mỹ - Trung, xem hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể gác lại những bất đồng để xích lại gần nhau trong việc thúc đẩy sự ổn định của toàn cầu hay không. Vì vậy, ông Kerry gọi quan hệ Mỹ - Trung là “quan hệ đối tác xây dựng, dựa vào lợi ích chung của tất cả mọi người trên thế giới”, đồng thời gọi đây là “sức mạnh tổng hợp”.

Cam kết đối thoại hòa bình do cả Mỹ lẫn Trung Quốc đưa ra với mong muốn CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán, tuy cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để đạt được mục tiêu này.

Để thuyết phục được Bình Nhưỡng, Mỹ khó có thể đơn phương làm được nên muốn dựa vào Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, đây là một cánh cửa mở cho CHDCND Triều Tiên để xoa dịu căng thẳng, bởi có nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, cam kết hợp tác với Mỹ là dấu hiệu rõ ràng của Trung Quốc trong việc gây áp lực với CHDCND Triều Tiên mặc dù Bắc Kinh không hề công khai kế hoạch sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng như thế nào. Bắc Kinh vốn là đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng, cung cấp khoảng 90% năng lượng, 80% hàng hóa tiêu dùng và 45% lượng thực phẩm nhập khẩu của nước này. Đương nhiên Chính phủ ông Kim Jong-un không muốn để mất người đồng minh lớn như thế. Tuy nhiên, với áp lực của Mỹ và các nước khác, Trung Quốc đang thể hiện sự hờ hững với quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh không ngừng việc ủng hộ Bình Nhưỡng, nhưng lại cảnh báo sự ủng hộ này sẽ không nồng ấm như trước.

Thứ hai, nếu chịu sự “can gián” của Trung Quốc để ngồi vào bàn đàm phán 6 bên, CHDCND Triều Tiên sẽ thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan, khi chủ động bước lùi chẳng được, mà tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân thì sẽ bị sự trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ.

Thứ ba, Mỹ đang có sự ủng hộ của Nhật Bản và Hàn Quốc trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, nay có thêm sự góp mặt của Trung Quốc thì CHDCND Triều Tiên sẽ bị rơi vào thế cô lập tại khu vực Đông Bắc Á.

Vấn đề đặt ra là CHDCND Triều Tiên có lắng nghe Trung Quốc hay không khi trong những tuần gần đây, Bình Nhưỡng khẳng định việc sở hữu vũ khí hạt nhân là yếu tố sống còn.

Những thập niên trước, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên có mối quan hệ khắng khít. Nhưng theo Giáo sư Su Hao của ĐH Ngoại giao Trung Quốc, từ khi có vụ thử hạt nhân vào tháng 2 vừa qua, không còn cuộc tiếp xúc cấp cao nào giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Trung Quốc tại ĐH Renmin ở Bắc Kinh, Cheng Xiaohe, cho rằng cường quốc này không có quan hệ thân thiết với ông Kim Jong-un như thời cha của ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-il.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.